Hoàn thiện hành lang pháp lý nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

- Thứ Ba, 08/11/2022, 16:16 - Chia sẻ

Phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH TP Hà Nội đánh giá, việc sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý để nâng cao điều kiện, chất lượng khám, chữa bệnh ngang tầm khu vực và thế giới.

Gỡ khó cho xã hội hoá ngành y tế

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nhất trí cao với nhiều nội dung đã được sửa đổi trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình kỳ họp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị bổ sung định nghĩa về "cấp chuyên môn kỹ thuật" trong điều khoản giải thích từ ngữ. Bởi, nội dung này chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây. Bên cạnh đó, hiện hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật. Mặc dù, dự thảo quy định lộ trình thực hiện nội dung này từ ngày 1.1.2027, song việc chuyển đổi mô hình 4 tuyến thành 3 cấp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam đang là thách thức. Do đó, rất cần hướng dẫn nguyên tắc cụ thể. Ngoài ra, dự thảo cũng còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh; một số các quy định chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm điều tiết toàn hệ thống...

Đại biểu đề xuất, nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền. Từ đó, phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa và được chữa bệnh đúng cấp. "Ban soạn thảo cũng cần tính toán về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các cấp và hài hòa về nguồn thu giữa các cấp để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà kiến nghị.

Hoàn thiện hành lang pháp lý nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh -0
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội trường

Liên quan đến xã hội hóa trong lĩnh vực y tế tại Điều 107, theo quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy, đại biểu cho rằng, rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hóa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công. "Tôi hoàn toàn nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo luật, tuy nhiên, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hóa y tế lại trở thành bài toán không có lời giải", ĐBQH Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét quy định cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc vay bằng hình thức tín chấp. Mặt khác, về hình thức xã hội hóa cần sửa đổi điểm e khoản 3 là tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bao quát hết hoạt động tài trợ, viện trợ. Đồng thời, cân nhắc bỏ hình thức thuê dịch vụ nhà thuốc để tránh xung đột với các quy định của pháp luật về dược.

Tự chủ phải là trao quyền tự quyết cho các bệnh viện

Đề cập đến thực trạng cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời bỏ các bệnh viện công, nhiều bệnh viện lớn với cơ sở vật chất đầy đủ thì lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về hưởng bao cấp từ ngân sách, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá: "Đây là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập". Trong đó, nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có. Vì vậy, việc sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết thấu đáo những bất cập hiện nay.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo, ĐBQH Hoàng Văn Cường nhận thấy, vẫn còn những khoảng trống về cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động... Do đó, cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh; được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện; tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư... Đồng thời, cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật. "Đặc biệt, đối với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai cho tất cả khách hàng cũng như người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát", ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá.

Đại biểu cũng đề xuất cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, tự quyết định mức chi trả tiền lương, tự quyết định đầu tư, mua sắm... Đồng thời, quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư hoặc mua sắm, hoặc đi thuê, hoặc liên doanh, liên kết các máy móc, trang thiết bị và làm cách nào để họ lựa chọn cách sử dụng các cơ sở vật chất đó có hiệu quả nhất là do các bệnh viện tự quyết định... Một số nội dung khác như: cơ chế trong quản lý, giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ như là cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng của Hội đồng quản lý bệnh viện, của Giám đốc bệnh viện; cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá người lao động; cơ chế báo cáo, cơ chế quản lý, cơ chế giám sát của cơ quan quản lý đối với các bệnh viện tự chủ... cũng cần được quy định rõ ràng. 

Phi Long
#