Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Hội đồng Dân tộc:

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế dưới tán rừng

- Thứ Ba, 10/10/2023, 11:04 - Chia sẻ

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự luật được Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra, cho ý kiến tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Phiên họp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp tục có giải pháp hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế dưới tán rừng -0
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã có nhiều thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến đến chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương phân tích, nếu như trong các bản dự thảo trước, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quy định trong 2 điều, thì sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý đã được sửa đổi, bổ sung với 13 điều cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, vẫn còn một số nội dung liên quan đến chính sách đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử với đất sinh hoạt cộng đồng, theo quy định của Luật hiện hành thì không có vướng mắc, nhưng theo dự thảo Luật, nội dung này được tách ra thành đất ở và đất sinh hoạt cộng đồng. “Đất sinh hoạt cộng đồng là quỹ đất rất lớn giao cho cộng đồng dân cư quản lý. Nhưng nếu chúng ta không mở rộng quyền liên doanh, liên kết cho các hoạt động du lịch cộng đồng, làm kinh tế dưới tán rừng... thì không thể “cởi trói” được cho bà con dân tộc làm ăn”. Chỉ rõ thực tế này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, đây là một trong vấn đề cần được quan tâm trong dự thảo Luật lần này; đồng thời đề xuất, Chính phủ nên nghiên cứu để bà con có điều kiện mở rộng liên doanh canh tác đối với đất rừng, đất sinh hoạt cộng đồng dưới tán rừng.

Giải trình về vấn đề này tại Phiên họp, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho biết, về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất, Hội đồng Dân tộc có góp ý theo hướng mở rộng và cho phép cộng đồng dân cư góp vốn, làm ăn với quỹ đất mà họ có. Tuy nhiên, vấn đề là hiện Nhà nước giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng không thu tiền sử dụng đất. Và, đối chiếu với quy định thì loại đất này sẽ không được chuyển nhượng, cho thuê…; trường hợp bà con không có nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi. Do đó, nếu bà con muốn thực hiện việc liên doanh, hợp tác góp vốn làm ăn, thì có thể chuyển đổi quỹ đất này sang loại đất cho thuê (có thu tiền), thì mới thực hiện được việc hợp tác làm ăn.

Trong dự thảo Luật đã dành khá nhiều điều khoản cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng mới tập trung chủ yếu cho các hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất sản xuất. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi: Việc kết cấu nhiều quy định như vậy có hiệu quả hay không? Tại sao không để các quy định này trong các văn bản dưới Luật?

Về đối tượng, chính sách đất đai quy định chung cho đồng bào dân tộc thiểu số, chứ không nên điều tiết về hộ nghèo, cận nghèo. Quan trọng là tính pháp lý cho đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào cần nhất là cơ sở chứng thực quyền sử dụng đất đai cho những hộ gia đình, cá nhân liên quan đến đất họ đang sử dụng. Chỉ rõ điều này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, cần nghiên cứu thúc đẩy các quyền sử dụng đất cho đồng bào. Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế, lệ phí liên quan đến đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Nhà nước hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề pháp lý sẽ giúp người dân tăng giá trị đất, không xảy ra tranh chấp”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Giải trình, làm rõ hơn về vấn đề này, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra cho biết, sở dĩ phải giới hạn đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo là bởi đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố, đô thị khác với hộ nghèo, cận nghèo ở miền núi. Do đó, dự thảo Luật phải “khoanh vùng lại” để có hướng tiếp cận đúng. “Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, pháp luật hiện đã quy định rất rõ, vấn đề là thúc đẩy việc triển khai thực hiện; còn một số quy định hiện cũng đã có miễn giảm phí, lệ phí cho bà con khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo nói.

Tấn Tài
#