Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 19:19 - Chia sẻ

Chiều 24.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ làm Trường Đoàn đã làm việc với huyện Phù Cát, Bình Định về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tham dự có Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh.

Báo cáo với Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo huyện Phù Cát cho biết, thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai đến các đơn vị tổ chức nghiên cứu các bộ sách giáo khoa của các nhà xuất bản theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh; đề xuất danh mục sách giáo khoa sử dụng trong đơn vị theo quy định của Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30.1.2020 và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020 về việc hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định -4
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu về chuyên đề giám sát với lãnh đạo huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

UBND huyện kịp thời ban hành các kế hoạch quy định trách nhiệm tuyên truyền việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, lồng ghép trong kế hoạch chung về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn, xem công tác truyền thông là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các đơn vị đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông cho nhiều đối tượng liên quan (giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, cha mẹ học sinh và người dân trên địa bàn); tạo sự tin tưởng, lạc quan, đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội cho công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông.

Việc biểu dương người tốt, việc tốt trong các hoạt động thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được thực hiện đồng bộ, thường xuyên từ các cơ sở giáo dục đến Phòng Giáo dục và Đào tạo, gắn với phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Các hình thức biểu dương, khen thưởng rất đa dạng, phong phú; đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, bầu chọn đại biểu dự các hội nghị tôn vinh giáo viên...

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc làm việc
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định -1
Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa nêu ý kiến

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật và duy trì hiệu quả triển khai chương trình, kế hoạch, kịp thời đề ra các giải pháp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách. Ngành giáo dục thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ chuyên môn cho các trường và giáo viên; trong đổi mới phải chú trọng đi sâu, cụ thể từng bài học, tiết học và không mang tính hình thức, đối phó, qua đó góp phần làm cho việc thực hiện các quy định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch và đạt hiệu quả.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát nêu rõ, lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6 và năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7. 

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định -2
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị huyện phù Cát đặt câu hỏ, việc vào cuộc của huyện như thế nào với các cơ sở giáo dục trên địa bàn?

Trong thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thanh, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Qua các Kết luận thanh, kiểm tra, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện bảo đảm công tác chuyên môn và các quy định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Việc kiểm tra công tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục được đẩy mạnh. Phòng tập trung kiểm tra các nội dung: trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường; tổ chuyên môn; việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông. Qua kiểm tra, Phòng đã chấn chỉnh các sai sót; đồng thời tư vấn, hỗ trợ các trường thực hiện chương trình, sử dụng sách giáo khoa linh hoạt và hiệu quả.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bình Định -3
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh phát biểu.

UBND huyện Phù Cát kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì số lượng học sinh, nâng chất lượng giáo dục. Xem xét tăng tỷ lệ cho giáo viên tiểu học, hiện tại 1,5 giáo viên/lớp là không phù hợp để bảo đảm điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình 2006 là 4.305 tiết/năm, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 4.830 tiết/năm).

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng yêu cầu, huyện làm rõ hơn các thông tin về tỷ lệ học sinh, số lớp, cơ cấu giáo viên thừa thiếu cụ thể như thế nào? Cơ cấu về bộ môn, độ tuổi giáo viên trên địa bàn ra sao? Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn có khó khăn, vướng mắc gì không trong triển khai phương pháp đổi mới sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy. Thầy cô có yên tâm đứng lớp dạy các môn tích hợp hay không? Chương trình sách giáo khoa như vậy đã giảm tải, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp hay chưa?...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị huyện làm rõ các chính sách xã hội hóa trên địa bàn đã được triển khai như thế nào? Giáo dục tư thục đã được triển khai đến đâu về các cấp tại huyện? Trình độ giáo viên đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay chưa? Đối với giáo viên THCS thì chương trình tập huấn đối với các thầy cô giảng dạy các môn học tích hợp đã được bảo đảm hay chưa?

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận, đánh giá cao việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Phù Cát; đề nghị huyện bổ sung, hoàn thiện báo cáo theo các ý kiến đóng góp từ các thành viên Đoàn giám sát, làm cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin, ảnh: Thảo Ly
#