Ngày 13.3, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm chuyên gia góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng chủ trì tọa đàm.
Các đại biểu tham gia tọa đàm nhất trí với việc cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa, bởi Luật đã được ban hành khá lâu, một số nội dung bộc lộ hạn chế, bất cập cả nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là để bắt kịp sự vận động của xã hội, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo nhiều ý kiến, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần làm rõ vai trò của di sản văn hóa, nhất là nội dung phát huy giá trị di sản. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu thực tế, nhiều địa phương chỉ coi di sản văn hóa là "vật trang trí", dẫn đến ứng xử với di sản chưa được như mong muốn, đầu tư nhỏ giọt.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, đề nghị nên ưu tiên đầu tư cho những di sản sau khi bảo tồn tôn tạo có khả năng thúc đẩy phát triển du lịch, để thấy rằng di sản không phải chỉ tiêu tiền, mà di sản là tiền, và cần phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững.
Với di sản văn hóa phi vật thể, theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, thực tế cho thấy, khi di sản văn hóa được kiểm kê, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì sự quan tâm của cộng đồng, chính quyền địa phương càng ngày càng tăng. Bởi vậy cần thiết có hành lang pháp lý phù hợp.
Việc di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh cũng thể hiện Việt Nam có đóng góp trở lại với nhân loại, là biểu hiện sức mạnh mềm, tăng nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, gia tăng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế kỳ vọng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có các quy định tạo điều kiện cho hợp tác công - tư trong lĩnh vực di sản văn hóa. Tại Thừa Thiên Huế và quan sát tại nhiều địa phương cho thấy, hợp tác công - tư trong lĩnh vực này rất khó triển khai. Đây là điểm nghẽn lớn và Luật cần tháo gỡ để khai thác các loại hình dịch vụ, phục vụ phát triển du lịch.
Trong các loại hình di sản, dự thảo Luật cũng bổ sung một số khái niệm như: di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản tự nhiên, di sản công nghiệp…
Theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy tháng 5 tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng cho biết, ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp Thường trực Ủy ban trong quá trình thẩm tra dự án Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể.