Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi):

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

- Thứ Năm, 09/11/2023, 16:35 - Chia sẻ

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Tiếp tục chương trình làm việc chiều nay, 9.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ

Tờ trình về dự án Luật do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn là: nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử.

Ngoài những nội dung trên, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: tổ chức xét xử;  bảo vệ Tòa án; điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế; chế độ khen thưởng, kỷ luật;  điều khoản thi hành…

Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và các quy định của Hiến pháp, dự thảo Luật xác định đầy đủ, khoa học trách nhiệm của Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp.

Dự thảo Luật cũng bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: “Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW; “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vì đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử thực chất là giải thích, làm rõ trong bản án lý do áp dụng điều luật cụ thể trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án. Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc luật hóa nhiệm vụ đang thực hiện trên thực tiễn này nhằm đề cao trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong mỗi phán quyết tư pháp.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết, dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử. Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để giải quyết, xét xử.

Cân nhắc trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày và cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Liên quan đến nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành cần quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật với lý do: Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, nhưng từ đó đến nay nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp chưa được cụ thể hóa nên chưa được hiểu thống nhất. Quy định nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp để thể chế hóa Nghị quyết 27 và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật để quy định đầy đủ, cụ thể nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm sự liên thông, kết nối với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật.

Một số ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định nội dung quyền lập pháp, quyền hành pháp. Khi xây dựng và ban hành Nghị quyết 27, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đưa nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp vào Nghị quyết. Việc làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp là vấn đề lớn, phức tạp, có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác nhưng vẫn chưa có sự thống nhất cao. Do đó, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, mà cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật, theo đó: Đối với vụ án hình sự, việc khởi tố, điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thu thập trong hồ sơ vụ án, sau khi đã kiểm tra, làm rõ tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để ra phán quyết về vụ án; nếu thiếu chứng cứ hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm... thì Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính: nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự. Tòa án không có trách nhiệm thu thập chứng cứ mà chỉ hướng dẫn, yêu cầu các đương sự thu thập chứng cứ; nếu đương sự là người yếu thế trong xã hội thì Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ. 

Có ý kiến không tán thành với dự thảo luật, với lý do: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính thì Tòa án chỉ tiến hành thu thập chứng cứ trong trường hợp nhất định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Theo đó: đối với vụ án hình sự nếu tại phiên tòa phát sinh vấn đề cần xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thì Tòa án tạm ngừng phiên tòa để thực hiện; vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì Tòa án chỉ thu thập chứng cứ nếu đương sự không thu thập được và có yêu cầu. Việc thu thập chứng cứ ở nước ngoài thì Tòa án thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu thập. Nghị quyết 27 yêu cầu: “Nghiên cứu làm rõ… những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”. Do đó, đề nghị quy định những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện của nước ta.

Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). 

Hoàng Ngọc
#