Dự án Luật Phòng thủ dân sự

Đánh giá kỹ lưỡng quy định đưa phòng thủ dân sự vào giáo dục phổ thông

- Thứ Ba, 01/11/2022, 18:18 - Chia sẻ

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều nay, 1.11, một số đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lưỡng quy định đưa hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục phổ thông vì e ngại về tính khả thi của quy định này, có thể gây xáo trộn về thiết kế sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên và trang thiết bị dạy học… 

Đánh giá kỹ lưỡng quy định đưa phòng thủ dân sự vào giáo dục phổ thông -1
Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Bình Dương và TP. Hải Phòng

Các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng Luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30.8.2022 “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là xây dựng Luật Phòng thủ dân sự. Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật.

Dự thảo Luật quy định phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị cần làm rõ hơn việc “bảo vệ nhân dân” và “khắc phục hậu quả chiến tranh” như thế nào.

Quan tâm đến Điều 37 quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự, ĐB Lê Thanh Vân lưu ý, dự thảo Luật không quy định cơ quan nào thành lập ra cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự. Tuy Điều 11 có nhắc đến Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự nhưng lại chưa quy định lực lượng nòng cốt của cơ quan này.

Đánh giá kỹ lưỡng quy định đưa phòng thủ dân sự vào giáo dục phổ thông -0
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến quy định về tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự, Điều 15 quy định “Nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về phòng thủ dân sự được đưa vào môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh”; Điều 63 quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lồng ghép kiến thức phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục và đào tạo. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, các quy định này chưa có tính khả thi cao vì nếu đưa thêm các môn học về phòng thủ dân sự trong giáo dục phổ thông sẽ gây khó khăn cho các đơn vị xây dựng chương trình, gây xáo trộn về thiết kế sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên và trang thiết bị dạy học… Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Hoàng Ngọc
#