Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thái Bình phải trở thành "tỉnh gương mẫu về mọi mặt” như lời căn dặn của Bác Hồ

- Thứ Bảy, 20/01/2024, 13:56 - Chia sẻ

"Những thành tựu đã đạt được làm cho thế và lực của tỉnh Thái Bình có bước xoay chuyển, có ý nghĩa rất quan trọng tạo tiền đề, cơ hội rất tốt để tỉnh tăng tốc phát triển". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn tỉnh Thái Bình "không chủ quan, thoả mãn", "không nên cho như thế là đã đủ rồi", nỗ lực hơn nữa để "trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt" như lời căn dặn của Bác Hồ. 

Như Báo Đại biểu Nhân dân đã đưa tin, sáng nay, 20.1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình.

Thế và lực của tỉnh Thái Bình có bước xoay chuyển

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã nghe Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, công tác tổ chức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 và kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (2021 - 2023), định hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn công tác đã trao đổi, làm rõ một số nội dung tỉnh Thái Bình kiến nghị, đề xuất với Trung ương; qua đó gợi mở thêm các giải pháp để tỉnh thực hiện hiệu quả hơn nữa các chiến lược, kế hoạch phát triển đã đề ra. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng về thăm, làm việc tại Thái Bình - tỉnh ven biển, thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, có bề dày lịch sử, với truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, đi đầu thực hiện phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, chi viện cao nhất sức người, sức của, đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ cũng dành tình cảm đặc biệt đối với Thái Bình, đã 5 lần về thăm, động viên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà. 

Chủ tịch Quốc hội nồng nhiệt chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong hơn nửa nhiệm kỳ qua đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu chủ yếu, quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai rất đúng hướng các Nghị quyết của Trung ương và tỉnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đều khắp trên các lĩnh vực.

"Những thành tựu đã đạt được làm cho thế và lực của tỉnh Thái Bình có bước xoay chuyển, có ý nghĩa rất quan trọng tạo tiền đề, cơ hội rất tốt để tỉnh tăng tốc phát triển trong thời gian tới. Đó là nỗ lực rất lớn của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh". 

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đồng thời cho biết rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế của Thái Bình. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid - 19, tình hình phức tạp của khu vực, thế giới vừa qua, từ một tỉnh thuần nông với xuất phát điểm nhiều khó khăn nhưng Thái Bình vẫn là một trong số ít các tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2021 - 2023 đạt 8,18%, năm 2023 đạt 7,37% (đứng thứ 7 vùng Đồng bằng sông Hồng).

Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước đạt 67.948 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng/người, gấp 1,2 lần so với năm 2020. Tổng thu NSNN hằng năm đạt kết quả tốt, nhất là thu nội địa có sự tăng trưởng bứt phá, đã tham gia "câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng" từ năm 2021 và đạt 11.561 tỷ đồng trong năm 2022.  

Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động đúng hướng, mạnh mẽ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là những vấn đề hết sức căn cơ đối với sự phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh. Thái Bình ngày nay không chỉ nổi tiếng về lúa gạo, mà còn được biết đến với sự vươn lên mạnh mẽ với những bước đi tiên phong, năng động trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, chuyển dần từ một tỉnh thuần nông từng bước trở thành tỉnh phát triển toàn diện, vững chắc, đồng đều ở cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp hiện đã chiếm 45%; tỷ trọng lao động nông nghiệp hiện chỉ còn chiếm khoảng 25,5%, kế hoạch đến năm 2025 còn 22%.

Một kết quả rất quan trọng khác của Thái Bình là thu hút đầu tư, nhất là FDI tăng trưởng vượt bậc với hơn 4,1 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2023, trong đó, riêng vốn FDI đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hằng năm tăng mạnh. Hai năm 2022, 2023 đều vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới/năm. 

Tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 153.011 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020; năm 2023 tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 99.000 tỷ đồng. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh, tạo niềm tin, sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Các dự án lớn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ như: Khu công nghiệp VSIP Thái Bình, Khu công nghiệp Hải Long, Nhà máy nhiệt điện LNG… Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chính là năng lực sản xuất mới, động lực mới của tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được thực hiện có chiều sâu và thực chất. Thái Bình là một trong số ít tỉnh đầu tiên trong cả nước có 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện đã có 34/241 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 14,1%), trong đó có 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội có những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. 

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả. Thái Bình đứng tốp đầu cả nước về hoạt động an sinh xã hội. Các chỉ tiêu văn hóa - xã hội đều đạt ở mức khá cao, thể hiện sự chú trọng, quan tâm phát triển văn hóa - xã hội gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,14%, hộ cận nghèo giảm còn 2,26%. Nhiều chỉ số sức khỏe đạt ở mức cao so với bình quân chung cả nước: 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; số bác sĩ/vạn dân đạt 13,5 bác sĩ... Tình hình lao động, việc làm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp duy trì tương đối ổn định, không có biến động lớn về số lượng lao động thiếu hoặc mất việc làm trong thời gian qua.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình và HĐND các cấp tỉnh Thái Bình hoạt động sôi động, hiệu quả, có nhiều đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội và HĐND, nhất là trong công tác xây dựng thể chế, giám sát...

"Trải thảm" thu hút đầu tư nhưng phải chọn lọc kỹ lưỡng, chú trọng chất lượng

Đánh giá cao sự thẳng thắn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Bình khi về thăm năm 1967 "không chủ quan, thoả mãn", "không nên cho như thế là đã đủ rồi". 

Trong điều kiện quy mô kinh tế của tỉnh vẫn còn khiêm tốn, trân trọng các kết quả đã đạt được, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Chủ tịch Quốc hội mong muốn tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sự khát khao tìm tòi, khát khao phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong từng lĩnh vực và truyền thống cách mạng, văn hoá của tỉnh để đạt được những kết quả cao hơn nữa, như sự mong đợi, kỳ vọng của Bác Hồ làm cho "Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt". 

Năm 2024 là năm “nước rút”, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đảng bộ các cấp; đồng thời, là năm triển khai các công việc chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xác định trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Thái Bình cần chuẩn bị tâm thế, điều kiện, nguồn lực để bước sang một giai đoạn phát triển mới. 

Về nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát, tập trung, nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao nhất các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh, trong đó có Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp các Nghị quyết của Trung ương Đảng,  Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Nghị quyết của Quốc hội và quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, với không gian kinh tế - xã hội gồm một trung tâm (TP.Thái Bình) – một hành lang kinh tế phía Đông (với 2 đô thị Tiền Hải và Thái Thụy)– một hành lang phát triển Tây Bắc kết nối các khu vực phụ cận ngoại biên với các tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam và hướng về Hà Nội) – một hành lang Đông Bắc  Tây Nam kết nối từ các tỉnh Bắc Trung Bộ về Hải Phòng, Quảng Ninh; nỗ lực trở thành Trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượngTrung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Vùng đồng bằng sông Hồng – Địa bàn trung chuyển, trung tâm phân phối hàng hóa của khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. 

"Như vậy, đường đi đã mở rồi. Các tỉnh có xuất phát điểm khó khăn thì phải đi nhanh gấp nhiều lần những tỉnh khác. Thái Bình phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số trở lên. Chúng ta có đủ điều kiện để đạt mục tiêu này", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Thái Bình cần chú trọng việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, rà soát lại quy hoạch sử dụng đất đai, tính toán nhu cầu phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, phát triển công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ... Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược, đặc biệt quan tâm việc xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trong tỉnh và hạ tầng kết nối với các địa phương trong vùng; tiếp tục đầu tư hạ tầng cho sản xuất, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đây là vấn đề trọng tâm, nhất là với định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh có nhiều ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao, nếu không chủ động chuẩn bị về nguồn nhân lực sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình chủ động rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện có và những cơ chế, chính sách cần phải có để thực hiện được các mục tiêu, chiến lược phát triển của tỉnh, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm việc với UBND tỉnh để sớm có các quyết sách cụ thể, đột phá. Phải đi vào những vấn đề hết sức cụ thể, chủ động chứ không ngồi chờ các cơ quan trình.

Tỉnh Thái Bình cũng cần tăng cường công tác quản lý đất đai, rừng, biển; đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư, trong đó phải đặc biệt chú trọng vấn đề chất lượng đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, thà chậm một chút nhưng thực sự hiệu quả và bền vững. “Giai đoạn này, chúng ta trải thảm đầu tư nhưng cũng phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chuẩn bị các điều kiện, tổ chức Tết nguyên đán Giáp Thìn để nhân dân ai ai cũng được đón Tết đầm ấm, yên vui, an toàn.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng; xứng đáng là tỉnh “gương mẫu về mọi mặt” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Phạm Thúy
#