Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành 2 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Hai, 18/12/2023, 18:48 - Chia sẻ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Trong Nghị quyết số 106/2023/QH15, Quốc hội quy định thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đối với các dự án nêu tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này; đồng thời cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với  2 dự án theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này. Cụ thể là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư dự án không quá 80% (phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm được bố trí từ ngân sách địa phương); và dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư dự án không quá 70%.

Về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ, Quốc hội cũng quyết nghị cụ thể việc giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 7 dự án tại Phụ lục II kèm theo Nghị quyết này. Đối với 6 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục II, UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án tại Phụ lục III kèm theo Nghị quyết này. Đối với 5 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục III, UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực. UBND cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Quốc hội cũng quyết nghị cụ thể một số nội dung về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dự án sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; và quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 28.11.2023 và được thực hiện đến hết 30.6.2025. Các dự án được áp dụng chính sách thí điểm quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết này đến khi hoàn thành dự án.

Trong Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 709/BC-ĐGS ngày 4.12.2023 của Đoàn giám sát với những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ yếu cụ thể. Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, nghiên cứu, thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo nêu trên và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, gồm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025; nhóm nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện xong trước cuối năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: Rà soát, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Dự trữ quốc gia.

Về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: Trong năm 2023, ban hành Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Kế hoạch thực hiện các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, đầu tư, quy hoạch để thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án nguồn, lưới điện; nghiên cứu, rà soát, đánh giá tác động, có cơ chế phù hợp, nếu cần thiết đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai kịp tiến độ các dự án nguồn và lưới điện cấp bách.

Trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển hợp lý điện khí, năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu hydro… Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Toàn văn 2 Nghị quyết và các Phụ lục kèm theo xem trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân: https://daibieunhandan.vn/.

Nguyễn Vũ
#