Cần phải quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Thứ Hai, 06/11/2023, 12:36 - Chia sẻ

Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những ý kiến tại buổi thảo luận tại tổ.

Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, dự thảo Luật bổ sung 3 nội dung mới: Trợ cấp hưu trí xã hội, quản lý thu, đóng BHXH và đầu tư quỹ BHXH; bỏ mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia BHXH, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ. Theo đó, dự thảo Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính, như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;…

Đánh giá cao hồ sơ dự án Luật cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và để cập nhật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BHXH.

Cần phải quy định rõ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc  -0
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thiết kế của dự thảo lần này cần phải được quy định rõ hơn để xác định được chế tài để đóng bảo hiểm. Về nợ bảo hiểm xã hội, đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài cưỡng chế qua tài khoản.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay, đóng BHXH chiếm đến 20-25% chi phí của doanh nghiệp, là con số khá hơn nên nhiều doanh nghiệp lách luật để né đóng BHXH bằng nhiều cách. Thực tế, dù đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, dự thảo Luật lần này nhận được phản ứng trái chiều của người lao động, chủ yếu liên quan đến thời gian đóng bảo hiểm và rút bảo hiểm một lần, căn cứ tiền lương đóng BHXH. ĐBQH Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc đóng BHXH rút ngắn từ 20 năm xuống 15 năm sẽ tạo điều kiện cho những người tham gia đóng muộn hoặc quá trình đóng không liên tục, song sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp người  nghỉ hưu ở mức lương thấp, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, điều đó dẫn đến không đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo và nỗ lực của cơ quan soạn thảo và các Uỷ ban, trực tiếp là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi thì sẽ quyết định như thế nào thì có sự tích hợp thống nhất và đặc biệt là bảo hiểm hưu trí bổ sung. Bởi bảo hiểm hưu trí bổ sung là một tầng, tầng thứ tư trong hệ thống hạ tầng bảo hiểm xã hội đa tầng như Chủ tịch Quốc hội đã nêu và đặt vấn đề. Mặt khác mối quan hệ giữa loại hình bảo hiểm trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng chưa được quy định và Chính phủ cũng chưa có sự phân tích cụ thể để các ĐBQH có một nhìn nhận toàn diện hơn.

Về điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm tại Khoản 1, Điều 98, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần có sự điều chỉnh cho thống nhất phù hợp giữa Bộ luật lao động và dự thảo luật. Đại biểu cũng đề cập đến nguyên tắc BHXH cần bổ sung nội dung bình đẳng giới; bảo đảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách BHXH đặc thù.

Văn Anh
#