Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp thảo luận tổ:

Cần điều chỉnh thời gian tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng

- Thứ Hai, 17/06/2024, 20:23 - Chia sẻ

Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) chiều 17.6 về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện đang quy định thời hạn đình chỉ hoạt động là từ 1 - 24 tháng trong khi dự thảo Luật quy định từ 1 - 12 tháng. Do đó, cần điều chỉnh thời gian tạm ngừng hoạt động của Văn phòng công chứng để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi Luật Công chứng hiện hành nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cần điều chỉnh thời gian tạm ngừng của hoạt động của Văn phòng công chứng
Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp) họp tổ

Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành nghiêm cấm công chứng viên “Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình” là chưa hợp lý.

Cần điều chỉnh thời gian tạm ngừng của hoạt động của Văn phòng công chứng
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), công chứng cũng là doanh nghiệp nên có quyền được quảng cáo để người dân biết đến và việc quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định. Nếu quy định như dự thảo Luật có thể sẽ làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động.

Do đó, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Cần giải trình cụ thể nếu Văn phòng công chứng bị ngừng hoạt động không được tiếp nhận

So với Luật Công chứng hiện hành, Điều 30 dự thảo Luật bổ sung quy định về tạm ngừng hoạt động Văn phòng công chứng trong một số trường hợp nhất định và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng sau khi tạm ngừng hoạt động. Khoản 4, Điều 30 quy định: Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động bàn giao hồ sơ công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng được Sở Tư pháp chỉ định tiếp nhận hồ sơ có yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cấp bản sao.

Tán thành với quy định này, đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ, có những trường hợp Văn phòng công chứng ngưng hoạt động nhưng đối với huyện chỉ có một Văn phòng công chứng thì sẽ bàn giao cho ai? Nếu đã bàn giao cho Văn phòng công chứng khác mà không đồng ý nhận Văn phòng công chứng bị giải thể hoặc bị cấm hoạt động đó thì sẽ xử lý, giải quyết như thế nào? Hoặc nếu trên địa bàn không có tổ chức hành nghề công chứng để tiếp nhận thực hiện tiếp nhận Văn phòng công chứng bị giải thể hoặc bị cấm hoạt động thì Sở Tư pháp sẽ xử lý ra sao? Do đó, đề nghị cần có giải trình cụ thể để bảo đảm hiệu quả khi triển khai thi hành luật.

Cần điều chỉnh thời gian tạm ngừng của hoạt động của Văn phòng công chứng
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) nêu rõ, tại Khoản 2, Điều 30 dự thảo Luật đang quy định thời gian tạm ngừng của hoạt động của Văn phòng công chứng là từ 1 - 12 tháng và có áp dụng đối với trường hợp Văn phòng công chứng bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay đang quy định thời hạn đình chỉ hoạt động là từ 1 - 24 tháng. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tin và ảnh: N. Thành
#