Luật sư Hoàng Văn Chiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Thời hiệu khởi kiện đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức là bao lâu?
Tại khoản 2, Điều 116, Luật Tố tụng hành chính 2015 được bổ sung bởi khoản 7, Điều 2, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 quy định thời hiệu khởi kiện như sau:
Thời hiệu khởi kiện
1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước
c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
...
4. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b, khoản 2, Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
...
Như vậy, thời hiệu khởi kiện đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Lưu ý: Nếu hết thời hiệu 01 năm mà công chức không khởi kiện thì mất quyền khởi kiện đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 25, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 11, Điều 1, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức cụ thể như sau:
Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức
1. Việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:
a) Tổ chức họp kiểm điểm;
b) Thành lập Hội đồng kỷ luật;
c) Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
...
Như vậy, việc xử lý kỷ luật đối với công chức được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm;
Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật;
Bước 3: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Lưu ý: [1] Không thực hiện quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 25, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đối với trường hợp:
- Xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 10, Điều 2, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP
- Xử lý kỷ luật theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP hoặc đã tổ chức kiểm điểm theo quy định của pháp luật và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
[2] Không thực hiện quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 25, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP đối với trường hợp:
- Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định;
- Công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
- Đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật theo quy định tại khoản 6, Điều 2, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP
Các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 25, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.”.
Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức như thế nào?
Theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 10, Điều 1, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức như sau:
[1] Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
[2] Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6, Điều 28, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 26, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
[3] Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.
Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.
Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.
[4] Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.”.