Thuốc lá thế hệ mới

Thiếu quy định, quản lý lúng túng

- Chủ Nhật, 15/11/2020, 06:59 - Chia sẻ
Mặc dù thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng - thuốc lá thế hệ mới đã xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều và chủ yếu bằng con đường bất hợp pháp, tuy nhiên hiện các văn bản pháp luật liên quan về phòng, chống tác hại của thuốc lá; cũng như các văn bản chuyên ngành về thuế, hải quan… chưa xuất hiện thuật ngữ này. Liệu pháp luật có cần điều chỉnh và điều chỉnh đến đâu là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý.

Nguồn hàng không hợp pháp

Tại Việt Nam, toàn bộ tiêu chuẩn về thuốc lá mới chỉ được áp dụng cho sản phẩm thuốc lá truyền thống. Các mặt hàng thuốc lá thế hệ mới hiện chưa được phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để nhập khẩu. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được đưa về Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu và hầu hết là hàng Trung Quốc vì giá thành rẻ. Việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chủ yếu được thực hiện công khai qua internet.  

Theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường, trong 8 tháng năm nay, các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ hơn 8.300 vụ, tịch thu hơn 8 triệu gói thuốc lá nhập lậu các loại. Riêng thuốc lá thế hệ mới, con số vụ thu giữ và số lượng thu giữ ngày càng tăng lên. Nếu trong năm 2019 chỉ lác đác vài vụ ở Huế, Đà Nẵng và Hà Nội thì năm 2020, các vụ thu giữ đã mở rộng địa bàn thêm ở Nghệ An, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh. Điển hình, nếu trong năm 2019, Hà Nội chỉ kiểm tra 6 vụ và thu giữ gần 1.000 các sản phẩm liên quan đến thuốc lá thế hệ mới; thì đến hết tháng 9 năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng đã xử phạt 6 vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng nghìn sản phẩm phục vụ cho việc sử dụng. Hay, tại TP Hồ Chí Minh, Hải quan TP Hồ Chí Minh thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hóa thu giữ được khoảng 1 tỷ đồng.

Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh chia sẻ, đáng lo hơn sản phẩm này đã xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam và hoàn toàn bằng con đường không hợp pháp. Đặc biệt, không chỉ mua bán trên thương mại điện tử, loại hình thuốc lá thế hệ mới này còn xuất hiện tại một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Việc kinh doanh, quảng cáo tràn lan các sản phẩm nêu trên vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ lụy khác đối với xã hội.

Ở góc độ quản lý chính sách thuế, bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nêu thực tế, hiện công tác quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, đặc biệt hình thức mua bán mặt hàng này qua các kênh thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng không ngừng bắt giữ các vụ buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với số lượng lớn. Dù vậy, trên thị trường vẫn tồn tại hoạt động sử dụng hay kinh doanh bất hợp pháp, thậm chí quảng cáo không đúng quy định về sản phẩm thuốc lá điện tử khiến tình trạng này trở nên đáng báo động.

Chính vì thiếu quy định, chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới nên lực lượng quản lý thị trường chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên các việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm.

Phó Chánh văn phòng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh

 

Sớm rà soát pháp luật liên quan

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, hệ thống pháp luật đã có những quy định đầy đủ, rõ ràng về cấm quảng cáo, sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ… đối với sản phẩm thuốc lá như trong Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP… và một số văn bản liên quan khác. Tuy nhiên, cụm từ “thuốc lá thế hệ mới” chưa hề xuất hiện trong bất cứ một văn bản pháp lý nào. Thực tiễn pháp luật cho thấy, hiện tại chỉ có khái niệm về thuốc lá và chế tài xử lý các hành vi vi phạm đối với thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, hàng nhập lậu, quy định tại Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27.6.2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá về kinh doanh thuốc lá được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 106/2017/NĐ-CP. Tại quy định này “sản phẩm thuốc lá” là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi. Chính vì thế, các cơ quan liên quan rất lúng túng trong việc thu giữ và xử lý các sản phẩm nhập lậu này.

Ở Việt Nam là vậy, còn trên thế giới sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã và đang được thảo luận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC). Kết luận và khuyến nghị của Hội nghị cũng là một nguồn tham khảo trong quá trình xây dựng các yêu cầu đối với các sản phẩm này. Gần đây, các bộ, ngành liên quan đã có báo cáo về kết quả nghiên cứu và chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, báo cáo của Bộ Công thương đã nêu rõ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ; cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới cho phù hợp.

Liên quan đến việc hoàn thiện chính sách cho thuốc lá thế hệ mới, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, việc quản lý đối với loại sản phẩm này phải bảo đảm cả hai yêu cầu: Quản lý đối với hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và quản lý theo các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ để giảm thiểu, ngăn chặn những ảnh hưởng, tác hại tới sức khỏe và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Như vậy, bên cạnh các nghiên cứu, đề xuất dưới góc độ quản lý ngành, lĩnh vực về sản xuất và kinh doanh hàng hóa thì cần phải có những nghiên cứu, đề xuất của cơ quan y tế dưới góc độ quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá. Trường hợp xác định không phải là thuốc lá thì cần đưa ra giải pháp và đề xuất nhưng phải ban hành quy định pháp lý mới để quản lý, xử lý.

Phạm Hải