Gần đây nhất, Chi cục Thi hành dân sự quận Hoàng Mai, Hà Nội; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán công khai hơn 3,7 triệu cổ phiếu của Nguyễn Đức Kiên tại Ngân hàng TMCP Á Châu để thi hành án.
Hay trước đó, Thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 41 về cưỡng chế thi hành án dân sự để cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), trong đó gần 69 triệu cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Oceanbank là cổ đông lớn của OGC) đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (ông Thắm là chủ doanh nghiệp) và hơn 3,3 triệu cổ phiếu OGC đứng tên ông Hà Văn Thắm.
Có thể thấy, phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh thương mại thường diễn ra giữa một bên là ngân hàng, tổ chức tín dụng với một bên là doanh nghiệp, với mục đích vay vốn nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh để thu lợi nhuận. Trong đó, có những tài sản là vốn góp, cổ phần, cổ phiếu.
Theo quy định tại Điều 92, Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên có quyền kê biên phần vốn góp của người phải thi hành án; đồng thời quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải thi hành án. Để có thể kê biên được tài sản góp vốn, chấp hành viên phải thẩm định chính xác tài sản vốn góp; xác minh được toàn bộ giá trị tài sản của công ty. Trong khi đó, tài sản mang vào góp vốn rất đa dạng, bao gồm rất nhiều loại tài sản cả vô hình và hữu hình như: đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị bất động sản, động sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được, cổ phần, cổ phiếu…
Điều đáng nói là tài sản có nhiều dạng, nhưng cơ chế công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp còn thiếu, chưa phổ biến, lại gặp sự thiếu phối hợp của bên phải thi hành án, nên chấp hành viên rất khó có thể xác định được… Không xác định được thì không có cơ sở để tổ chức thi hành án. Đó là chưa kể tài sản của doanh nghiệp rất đa dạng, phức tạp trong khi đó chấp hành viên còn chưa có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong việc xử lý, nhất là tài sản là cổ phần, cổ phiếu, chấp hành viên cũng gặp lúng túng trong việc thẩm định giá, bán đấu giá (xác định cổ phiếu đã lên sàn hay chưa lên sàn giao dịch? cơ sở xác định giá khởi điểm của cổ phiếu như thế nào, việc khớp lệnh ra sao…).
Từ thực tế này cho thấy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành quy định liên quan đến công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp thì việc bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức liên quan cho đội ngũ chấp hành viên cần được chú trọng, thực hiện thường xuyên.