Thiếu chương trình trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em

- Thứ Hai, 06/12/2021, 15:28 - Chia sẻ
Tại hội thảo "Bảo vệ trẻ em – Từ phòng ngừa đến hỗ trợ" do Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổ chức Good Neighbors (GNI) phối hợp tổ chức ngày 6.12, nhiều đại biểu cho rằng, quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ Hiến pháp đến các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn thiếu chương trình giáo dục phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, trang bị cho trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ mình.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang Vũ Sơn Hải nêu thực tế, ở các trường đang thiếu các chương trình giáo dục quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương tích hợp trong các chương trình khác nhưng các trường còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi trường triển khai một kiểu nên thiếu tính chuyên môn, sáng tạo. Trong khi đó giáo viên chưa đủ kiến thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, chưa hiểu biết về tầm quan trọng của việc giáo dục quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em.

Đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên, hình thức tuyên truyền chậm đổi mới, nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực.

Toàn cảnh hội thảo

Ông Vũ Sơn Hải cho rằng, mỗi trường hợp trẻ em gặp khó khăn cần được phát hiện và hỗ trợ kịp thời để phòng ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn. Để làm tốt điều này, nhận thức của người chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đóng một vai trò quan trọng. Khi người lớn, người có trách nhiệm nhận thức tốt được quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em thì việc giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ em được thực hiện tốt hơn, gần gũi với trẻ em hơn.

Đặc biệt, không ít cha mẹ chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho con em mình. Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá Trần Anh Tuấn cho biết, nhiều gia đình, thầy cô còn né tránh khi đề cập cho học sinh về các vấn đề này. Nhiều chủ trương, chính sách ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai, giáo viên không được tập huấn nên nhiều chính sách ban hành nhưng không được thực thi hoặc thưc thi nhưng không đạt hiệu quả cao.  

Đại biểu chia sẻ thông tin về thực hiện quyền trẻ em

Trưởng nhóm Giáo dục và Bảo vệ trẻ em, GNI Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, quá trình GNI hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập 4 phòng Tham vấn học đường 3C (chuyên môn, chuyên nghiệp và chuyên trách); xây dựng chương trình giáo dục giới tính toàn diện với Chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn diện hướng tới cung cấp cho các em học sinh các kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản.... để phòng ngừa các vấn đề có liên quan như tảo hôn, xâm hại tình dục, mang thai trẻ em...

Từ thực tế này, bà Mai đề xuất ngành giáo dục cần xây dựng các chương trình giáo dục phòng ngừa, trong đó có chương trình giáo dục quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em có sự thống nhất về nội dung nhưng đồng thời có tính sáng tạo, đổi mới về hình thức. Đồng quan điểm, ông Tuấn cho rằng, cần tăng cường các hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức cho giáo viên trong nhà trường; đồng thời xây dựng các chương trình giáo dục phòng ngừa, trong đó có chương trình giáo dục quyền trẻ em, bảo vệ vệ trẻ em mang tính kế thừa và phát triển giữa các cấp học, theo từng độ tuổi.

Nguyễn Minh