Doanh nghiệp mong Luật Đất đai sớm có hiệu lực
- Tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét về đề xuất Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1.8 tới, thay vì 1.1.2025. Các doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh đón nhận tin tức này thế nào, thưa ông?
- Việc Quốc hội sẽ xem xét đề xuất đề nghị áp dụng sớm 5 tháng kể từ 1.8.2024 đối với Luật Đất đai 2024, cùng với Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đang được cộng đồng doanh nghiệp hết sức trông đợi, bởi hai lẽ sau.
Thứ nhất, Luật Đất đai 2024 được xây dựng hoàn chỉnh nhất so với các Luật Đất đai trước đây, về cơ bản đã thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong đó, Luật có một số quy định mới, nổi bật như bổ sung trở lại chế định “đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” với cơ chế thực hiện có tính khả thi. Điều này nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể tiếp cận đất đai minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, không làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung các quy định về hoạt động lấn biển, tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp, sử dụng đất kết hợp đa mục đích để thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Luật cũng bổ sung đầy đủ các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đất ở cho đối tượng đang công tác tại các xã biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần bảo đảm thực hiện “quyền có chỗ ở của công dân” theo Hiến pháp… Những quy định đó khi đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển.
Thứ hai, xét về tình hình thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh - tiêu biểu cho thị trường bất động sản cả nước, “vùng đáy” khó khăn do đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị… rơi vào quý I.2023 với mức tăng trưởng âm sâu nhất (-16,2%) đã dần qua, dự báo sẽ phục hồi rõ nét vào cuối năm nay và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025.
Tuy vậy, chỉ tính riêng quý I.2024, TP. Hồ Chí Minh chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” với diện tích 3.647,4m2 và chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại (cũ) đã hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô 219 căn hộ, không có dự án nhà ở thương mại nào đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, cũng không có dự án nhà ở xã hội nào được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy phép xây dựng… Từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản thành phố còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội, dẫn tới hệ quả là giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao.
- Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay, nếu Quốc hội cho phép áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sớm 5 tháng thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân, nhà đầu tư và vừa có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.
Trong trường hợp Quốc hội không cho phép áp dụng sớm thì sẽ có tác động làm chậm tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản, có thể chậm thêm khoảng 6 tháng.
Cần tham vấn chuyên gia, doanh nghiệp
- Theo ông, cần làm gì để bảo đảm Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống theo đề xuất của Chính phủ?
- Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội cần bảo đảm xây dựng hơn 20 Nghị định, Thông tư, Quyết định để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đấu thầu 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024 và sửa đổi một số văn bản dưới luật có liên quan, trong đó có 8 Nghị định và 2 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, để trên cơ sở đó Quốc hội có cơ sở xem xét cho phép áp dụng sớm.
Chính phủ cùng các bộ, ngành đang rất khẩn trương xây dựng các văn bản này, song cũng cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp để bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật này ban hành thực sự chất lượng, hiệu quả, phù hợp.
- Về phía các doanh nghiệp bất động sản, ông có khuyến nghị gì để bảo đảm thực thi Luật Đất đai 2024 hiệu quả, góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển bền vững?
- Tình hình thị trường bất động sản bị khủng hoảng bong bóng, đóng băng, suy thoái, khó khăn trong các năm qua khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại, thua lỗ lớn, thậm chí bị phá sản. Song, xét về mặt chủ quan thì có một phần trách nhiệm của không ít doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với tình hình thị trường, nhất là trong việc chấp hành, tuân thủ pháp luật và những mặt yếu kém trong công tác quản lý, điều hành, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực tự thân vượt lên, luôn đặt lợi ích chung của đất nước, cộng đồng xã hội và khách hàng lên trên hết, trước hết, vừa đạt được hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận, vừa bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” giữa người dân, doanh nghiệp, Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!