Hàng trăm dự án khởi động trở lại
Từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thanh khoản kém, rất nhiều dự án dở dang. Tình trạng này kéo dài đến nửa đầu năm 2023, sức mua và thanh khoản bất động sản giảm mạnh; thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở. Nhiều dự án phải “dừng, giãn, hoãn tiến độ”, số lượng dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm. Giá nhà ở có xu hướng tăng và vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân. Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án...
Trước bối cảnh trên, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành hàng loạt chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Đơn cử, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định liên quan đến quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, về chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, về sửa đổi một số quy định liên quan đến Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch. Cùng với đó là nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Quyết định liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu, nguồn vốn; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thông qua Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn giai đoạn 2021 - 2030 và gói hỗ trợ tín dụng 1.200 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã tiếp nhận, xử lý có hiệu quả các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp qua đó đã giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.
Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, với những giải pháp nêu trên, nhiều vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ. Thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực và nhiều địa phương có kinh tế phát triển được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông… Ngoài ra, ngày càng ghi nhận thêm các địa phương sẵn sàng vào cuộc để chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản. Hàng trăm dự án tái khởi động trở lại càng tạo niềm tin, sức mạnh cho thị trường và chủ thể tham gia.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản quý IV.2023 có xu hướng tăng so với quý III. Cụ thể, số lượng dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng 4,2%; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong quý IV tăng 19%. Đáng chú ý, số lượng dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở hoàn thành tăng 88%. Đặc biệt, có 20 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng mới trong khi quý III chỉ có 15 dự án. Lượng giao dịch bất động sản nhà ở 6 tháng cuối năm tăng 13% so với 6 tháng đầu năm và lượng giao dịch đất nền tăng 28,4%.
Cũng ngay trong năm 2023, thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, các địa phương đã khởi công được 10 dự án với khoảng 19.853 căn, trong đó có 7 dự án nhà ở xã hội với quy mô 8.815 căn.
Tác động tích cực từ thể chế
Từ các kết quả tích cực này, và đặc biệt là với việc hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành, dự báo thị trường bất động sản năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực và cơ hội nhiều hơn thách thức, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định.
Đại diện Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong Luật Đất đai (sửa đổi), rất nhiều điều khoản được điều chỉnh nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Việc tiếp cận đất đai cũng theo hướng công khai, minh bạch. Những thay đổi này là đúng đắn và tích cực, góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển theo hướng công bằng và ổn định. Các doanh nghiệp “làm thật” sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai hơn, chi phí để phát triển dự án từ đó cũng có cơ hội được giảm xuống. Đây cũng là yếu tố góp phần tác động khiến giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VND) cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số thay đổi đáng chú ý đối với bất động sản hình thành trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng và quy định liên quan nhà đầu tư là người Việt định cư ở nước ngoài. Qua đó giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, sốt đất, lãng phí tài sản đất đã diễn ra nhiều năm qua. Các quy định mới có thể khiến giá nhà ở tăng thêm nhưng cũng tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, khiến họ phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và bàn giao các dự án. Đồng thời, việc mở rộng phạm vi đối tượng được tham gia kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm bất động sản nhà ở chất lượng hơn và giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Tương tự, một số thay đổi của Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ bổ sung cho phân khúc bình dân đang có nhu cầu cao nhưng lại thiếu nguồn cung. Đồng thời sẽ giúp giải quyết bài toán về phân bổ nguồn cung, cũng như ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Ngoài ra, những thay đổi còn giúp tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tối ưu hóa lợi ích từ dự án. Qua đó giúp chủ đầu tư có thêm động lực để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2024, Bộ sẽ tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, chú trọng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tăng cường quản lý bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.