Thị trường bán lẻ - tín hiệu tích cực

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:07 - Chia sẻ
Theo đánh giá từ các chuyên gia, thị trường bán lẻ thời gian tới sẽ có những tín hiệu lạc quan. Để bắt kịp xu hướng thương mại hiện đại và thế hệ người tiêu dùng mới, ngành bán lẻ phải tích cực ứng dụng bán hàng đa kênh và hơn hết là nhanh chóng chuyển đổi số.

Doanh thu quý I tăng 6,8%

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,6% so với năm 2019, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 - 2020, nhưng quy mô của thị trường vẫn tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, ngành bán lẻ đã có những dấu hiệu hồi phục khá tích cực.

		Ảnh minh họa Nguồn: ITN
Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Cụ thể, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 3.2021 đạt 322,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kì năm trước. Tính chung quý I, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1033,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020. Các chuyên gia dự báo, nếu thị trường phục hồi và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì thị trường bán lẻ có thể chạm mốc 200 tỷ USD trong vòng 2 năm tới.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, trong khi lĩnh vực sản xuất phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hay hàng không và du lịch phụ thuộc vào sự mở cửa của các nước, thì ngành bán lẻ chắc chắn sẽ phục hồi nhanh hơn vì mang tính chất thiết yếu, phục vụ nhu cầu không thay đổi của người dân. Doanh thu trong quý I của năm nay đã mang lại những dấu hiệu rất tích cực đối với thị trường bán lẻ. Người dân bắt đầu có việc làm trở lại và có thu nhập nên sức mua cũng tăng theo. Đồng thời, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, các doanh nghiệp sẽ tập trung và đầu tư hơn vào sản xuất kinh doanh, từ đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cũng cho rằng, những con số nêu trên mang đến tín hiệu tăng trưởng đáng mừng đối với ngành bán lẻ.

Một khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bán lẻ cho thấy, có gần 42% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể. “Dịch Covid-19 vừa mang đến thách thức vừa là cơ hội giúp các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải định hình lại và thay đổi phương thức kinh doanh như đầu tư mở rộng thêm ở khu vực nông thôn, đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử và nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng”, bà Hậu cho biết thêm.

Tích cực chuyển đổi số 

Tuy nhiên, bên cạnh những gam màu sáng thì ngành bán lẻ vẫn còn nhiều mảng tối cần vượt qua và khắc phục.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những khó khăn lớn chính là hàng hóa của nước ngoài nhận được tín nhiệm về chất lượng rất cao từ người tiêu dùng trong nước. Nếu hàng trong nước không có sức cạnh tranh hoặc không có những thông tin cần thiết để cho người tiêu dùng nội địa biết thì rõ ràng tính hướng ngoại, sùng bái hàng ngoại có thể ảnh hưởng trực tiếp tới thị phần của hàng nội. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối sản phẩm đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Việc phát triển bộ nhận diện thương hiệu của các mặt hàng trong nước chưa tốt, không đồng đều, rất nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng chưa được người tiêu dùng biết tới.

Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Hậu cho biết thị trường vẫn chưa thể trở về trạng thái như trước khi có dịch nên người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm. Các nhóm hàng điện tử, đồ gia dụng vẫn đang ở mức tiêu thụ kém. Ngoài ra, những cơ sở bán lẻ tư nhân, tự phát còn gặp khó khăn khi chi phí thuê mặt bằng bán hàng cao, sự hỗ trợ từ bên cho thuê và Nhà nước là không nhiều.

Các chuyên gia nhận định, để vượt qua khó khăn và phát triển hơn trong tương lai, việc nắm bắt thị trường của các đơn vị bán lẻ là một yếu tố hết sức quan trọng và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, toàn ngành đang hết sức nỗ lực phấn đấu để bắt nhịp được với các xu thế của thị trường như phát triển bán hàng đa kênh, đẩy mạnh các hình thức mua sắm online, củng cố lại tất cả hệ thống bán lẻ, các điểm bán hàng, để lại những điểm bán hàng tốt và cũng giảm bớt những điểm bán hàng kém chất lượng. Mặt khác, các doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ cần chung tay cùng các nhà cung cấp để xây dựng những chương trình quảng cáo thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng trong nước.

TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, thời gian qua đã chứng minh rất rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số. Doanh nghiệp nào chuyển đổi được thì sẽ tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử, thanh toán online và đây cũng là xu hướng đang thịnh hành trên thế giới. Và để chuyển đổi số thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng, sự quan tâm của doanh nghiệp, năng lực của doanh nghiệp cũng như những hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.

Theo ông Phong, những cơ sở kinh doanh bán lẻ cần phải chú ý cập nhật các thành tựu công nghệ, xu hướng thị trường, đặc biệt là gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng theo hướng xây dựng giao diện thân thiện, đáng tin cậy và thuận lợi hơn cho khách hàng. Không chỉ vậy, hệ thống phân phối phải được xây dựng đồng bộ, nâng tầm văn minh thương mại để người dân cảm thấy yên tâm trong tiêu dùng. Ngoài ra, hoạt động quản lý thị trường cũng phải chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, mạnh tay xử lý hành vi bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, vi phạm luật cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

Minh Trang