Thì thầm câu chuyện quá khứ

- Thứ Hai, 07/09/2020, 07:12 - Chia sẻ
Xem lại tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ thứ hai nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại là bắt gặp chân dung những gương mặt từ xưa, những cảnh trí và vật dụng đã lùi vào dĩ vãng. Gam màu trầm, sắc độ biến hóa có sự nhã nhặn như đang thì thầm câu chuyện quá khứ.

Điểm hẹn của ký ức

Triển lãm “Màu quá khứ” vừa diễn ra tại không gian Rue Du Camp, 50 Tràng Thi, Hà Nội, trưng bày 20 tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ thứ hai nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Những bức tranh đã ra đời từ mấy mươi năm trước, trên các chất liệu hội họa rực rỡ thời kỳ này, từ chì, sơn dầu, sơn mài cho đến phấn màu và lụa, thuộc bộ sưu tập của nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm. “Tôi muốn đưa vào không gian hoài niệm của quán cà phê Rue Du Camp một góc nhỏ bộ sưu tập của mình. Tôi muốn mọi người được thưởng lãm, được lắng nghe các tác phẩm kể chuyện ký ức mà không phải qua 'hàng rào' của sự hàn lâm, cứng nhắc như khi trưng bày trong bảo tàng”, nhà sưu tập tranh Trần Ngọc Lâm chia sẻ.

“Đèn dầu”, sơn dầu trên bìa của Bùi Xuân Phái

Ký ức về ngày ấy là sự hiển hiện đằng sau những khung cảnh và gương mặt người, những cảnh trí và vật dụng đã lùi vào dĩ vãng. Như bức “Đèn dầu” của họa sĩ Bùi Xuân Phái, một bức tranh sơn dầu vẽ trên bìa. Không phải toan, không phải giấy, đó là câu chuyện sáng tác của một họa sĩ vẽ nhiều, vẽ hăng say trong hoàn cảnh chẳng dư dả chất liệu. Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bùi Xuân Phái chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội, đã tạo được dòng tranh cho riêng mình - Phố Phái. Nhưng ông cũng vẽ nhiều đề tài khác, gắn với đời sống của đất nước, con người lúc bấy giờ. Bức “Đèn dầu” được ông sáng tác năm 1972, trong bối cảnh Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, những chiếc đèn dầu là thứ đồ hữu ích của người dân khi xuống hầm trú ẩn.

Một tác phẩm khác trên nền giấy nhỏ vàng phai nhưng nét vẽ vẫn còn sắc cạnh và hiện rõ, đó là “Chân dung Dương Bích Liên” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Thuở trước, quán cà phê Lâm là địa điểm yêu thích của giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Quán nhỏ đơn sơ, nổi tiếng trưng bày rất nhiều bức tranh sinh động về con người và phố phường Hà thành, những bức chân dung tự họa kèm bút tích, những bản văn chương chép tay. Các văn nghệ sĩ đến uống cà phê, trò chuyện, thảo luận về tác phẩm mới, ký họa cho nhau, và đó cũng là nơi mà “Chân dung Dương Bích Liên” ra đời, được vẽ bằng chất liệu chì màu.

Trong nhóm Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Dương Bích Liên ít được biết đến bởi ông đã “tự nguyện chọn tiếng im lặng của hội họa làm bản thân”. Ông sống cô đơn, không lập gia đình và rất ít bạn bè. Bức tranh mang dấu ấn của hai con người, hai danh họa, hai tư tưởng khác biệt nhau, và cũng thể hiện khả năng dessin (nét vẽ) ấn tượng của Nguyễn Tư Nghiêm. Nguyễn Tư Nghiêm luôn được biết đến với các tác phẩm sơn mài và bột màu mang đậm truyền thống văn hóa dân gian, rất ít tác phẩm ký họa của ông được giữ đến ngày nay. Vì vậy, theo giới mỹ thuật, “Chân dung Dương Bích Liên” là tác phẩm độc và hiếm.

Lịch sử và văn hóa

Trong một phiên đấu giá cuối năm 2019, nhà sưu tập tranh Trần Ngọc Lâm có cơ duyên sở hữu bức tranh “Giã gạo đêm trăng” của Ngọc Linh. Dấu ấn thời gian trên đường nét, sắc sơn mài trầm mặc làm hiện ra hình ảnh hai cô gái dân tộc giã gạo bên nhà sàn. Vào những năm 1950 - 1954, mỹ thuật Việt Nam với vai trò tích cực và quan trọng trong tuyên truyền đặc biệt nổi bật với khóa Họa sĩ kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân phụ trách, ra đời giữa núi rừng Việt Bắc. Không ít họa sĩ tài danh trưởng thành từ khóa học đã để lại những tác phẩm ấn tượng.

Các tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ thứ hai mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Thuở đó, giới họa sĩ vẫn hài hước kháo nhau về một cậu học trò trẻ khỏe nhất khóa tên là Vi Văn Bích hay còn gọi là Ngọc Linh trong làng hội họa. Cậu học trò Ngọc Linh năm ấy là cháu nội Tổng đốc Hà Đông Vi Văn Định, dòng dõi quý tộc của người Tày, miệt mài với đề tài miền núi. Thầy Tô Ngọc Vân cũng từng khen ông có được sự nhạy cảm với những hình ảnh xung quanh mà đem vào hội họa. “Giã gạo đêm trăng” được vẽ theo hướng tả thực và là một trong những sáng tác tiêu biểu của Ngọc Linh, mang sự hồn nhiên, hân hoan và giản dị.

Nói về bộ sưu tập của mình, nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm cho biết, hòa trong cái chung của bối cảnh thời đại, mỗi họa sĩ thời kỳ trước đều ghi được dấu ấn riêng, tìm ra cho mình màu sắc khác biệt. Đó là những linh hồn hội họa, những tình cảm thiêng liêng mà người “chơi tranh” may mắn bắt gặp, và tình cờ hay hữu ý hội tụ chúng trong cùng một không gian, thời gian. Tác phẩm của Lê Bá Đảng, Bùi Trang Chước, Lưu Công Nhân, Linh Chi, Trần Đông Lương, Trịnh Hữu Ngọc... đã cho thấy sự đa dạng đề tài, chất liệu và ý tưởng nghệ thuật của hội họa thế kỷ trước. “Ngoài ra, trong bộ sưu tập này, tôi cũng đưa vào tác phẩm của hai người thầy hội họa Đông Dương bấy giờ là Louis Rollet và Alix Aymé, tô điểm cho sự sinh động về hình ảnh quá khứ dưới góc nhìn khác”, ông Trần Ngọc Lâm nói.

Cả Louis Rollet và Alix Aymé đều là những họa sĩ Pháp có đóng góp to lớn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Trong một bức thư, Alix Aymé đã bày tỏ tình cảm về những ngày tháng đầu tiên sống và giảng dạy tại Hà Nội, và cảm hứng hội họa cũng được hé lộ từ suy nghĩ đó: “Những ngôi làng với các tán cau, những cánh đồng lúa bất tận - có vẻ ngoài như đơn điệu nhưng lại thay đổi vô tận với sự phản chiếu của mây trời, những người nhà quê/nông dân đi đoàn một với đòn gánh trên vai, những ngôi làng với các lũy tre xanh, những mái nhà tranh, những chiếc ao bèo xanh, những bụi chuối với những tàu lá rách, những hàng cau xanh và những cây hoa gạo đỏ màu máu. Tất cả đều là điểm khởi đầu cho các tác phẩm tuyệt vời…”.

Cũng chính từ những “điểm khởi đầu” ấy mà một thế hệ họa sĩ đã phác họa nên bức tranh Việt Nam. Nói như nhà sưu tập Trần Ngọc Lâm, ở đó, chúng ta bắt gặp chân dung của những gương mặt từ ngày xưa rất xưa, những cảnh trí và vật dụng đã lùi vào quá khứ, nhưng nghe chuyện quá khứ là để mở ra những suy tư về lịch sử và văn hóa một thời.

Hải Đường