Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan

Làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy Việt Nam - Phần Lan, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng thực chất, hiệu quả

- Thứ Bảy, 23/03/2024, 20:15 - Chia sẻ

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-aho dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Phần Lan thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 26.3. Đây là chuyến thăm đầu tiên ngoài khu vực châu Âu của Chủ tịch Jussi Hallap-aho kể từ khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Phần Lan, cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan nghị viện hai nước. Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất; tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác.

Quan hệ Việt Nam - Phần Lan đang phát triển tốt đẹp

Nằm ở khu vực Bắc Âu, Phần Lan là quốc gia tươi đẹp, thanh bình và giàu lòng mến khách. Đây cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong Liên minh châu Âu (EU). Với diện tích tương đương nước ta là 338.424 km2, nhưng dân số của Phần Lan chỉ có trên 5,5 triệu người.

Việt Nam và Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 25.1.1973. Trải qua 51 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Phần Lan được duy trì phát triển tốt đẹp. Phần Lan luôn dành cho Việt Nam sự quan tâm và tình cảm đặc biệt, thể hiện qua nhiều dự án hỗ trợ hiệu quả trong các lĩnh vực về nước sạch, trồng rừng... 

Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục tăng. Những mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Phần Lan là sắt thép, giày dép, hàng dệt may, cao su, phương tiện vận tải, đồ gỗ, xe đạp, máy vi tính, linh kiện điện tử, phụ tùng... Những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Phần Lan gồm thiết bị, máy móc, thiết bị phụ tùng, nguyên liệu dệt may, sắt thép các loại, gỗ và các sản phẩm gỗ, sản phẩm hóa chất, giấy các loại... Về đầu tư, tính đến hết tháng 12.2023, đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam đứng thứ 58 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 35 dự án còn hiệu lực. 

Những kết quả nêu trên cho thấy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm lực kinh tế cũng như thế mạnh của hai bên, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ năm 2020, Phần Lan cũng đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu từ năm 2023. Thời gian gần đây, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch, giáo dục đào tạo... phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của hai bên. 

Cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan hiện có khoảng 12.000 người, hầu hết chăm chỉ làm ăn, tuân thủ luật pháp nước sở tại, hòa nhập tốt với xã hội. Hội người Việt Nam tại Phần Lan được thành lập năm 2007 và đã có nhiều hoạt động thiết thực như sinh hoạt văn hóa, dạy tiếng Việt, hỗ trợ tư vấn pháp lý, các hoạt động hướng về cội nguồn...

Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước được duy trì tốt đẹp thông qua trao đổi một số đoàn cấp Lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội. Trong đó, về phía Quốc hội Phần Lan thăm Việt Nam có: Chủ tịch Quốc hội Sauli Niinisto (năm 2010), Ủy ban các vấn đề xã hội và y tế thăm Việt Nam (năm 2006) và Ủy ban Kiểm toán (năm 2013). Đoàn Quốc hội Việt Nam thăm Phần Lan có: Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1993), Hội đồng Dân tộc (năm 2007), Ủy ban Tư pháp (năm 2008), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (năm 2010), Ủy ban Kinh tế (năm 2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (năm 2016).

Đặc biệt, gần đây nhất, vào tháng 9.2021, ngay khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, trong chuyến công tác đầu tiên tới châu Âu trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm chính thức Phần Lan. Đây cũng là chuyến thăm Phần Lan đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 28 năm. Chuyến thăm được các nhà lãnh đạo Phần Lan đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước, nhất là trong các lĩnh vực hai bên đã có nền tảng hợp tác như kinh tế - thương mại, giáo dục đào tạo, lập pháp...

Qua chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Phần Lan đều nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Quốc hội, đưa hợp tác nghị viện trở thành một kênh hợp tác quan trọng giữa hai nước, trong đó chú trọng hợp tác giữa các nhóm nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ, các Ủy ban chuyên môn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hai nước đã ký kết. 

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Phần Lan duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP)... 

Hợp tác nghị viện hiệu quả, thực chất, tạo đà mở rộng nhiều lĩnh vực khác

Chủ tịch Quốc hội có vai trò quan trọng thứ hai trong hệ thống chính trị của Phần Lan (chỉ sau tổng thống). Ngoài việc chủ trì các phiên họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại song phương và đa phương của Nghị viện. Việt Nam là quốc gia ngoài châu Âu đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho thăm chính thức kể từ khi nhậm chức, cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan nghị viện hai nước. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng các nhà lãnh đạo Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho và mong muốn tăng cường quan hệ trên kênh Quốc hội và hợp tác hai nước, nhất là lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư; hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, nước, môi trường...

Việt Nam đón Chủ tịch Quốc hội Phần Lan nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9.1.2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan, mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ tin cậy giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Qua chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-aho, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất; tạo đà mở rộng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước; tăng cường và củng cố hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới...

Trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo nước ta cũng sẽ trao đổi với Chủ tịch Quốc hội Phần Lan các biện pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, trước hết là sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức cao hơn, tăng cường đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, chuyển đổi số, giáo dục và đào tạo hay sản xuất linh kiện...

Nguyễn Bình
#