Indonesia đưa ra chiến lược phục hồi du lịch

- Thứ Bảy, 04/02/2023, 01:09 - Chia sẻ

Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023, đại diện nước chủ nhà Indonesia đã công bố hai chiến lược nhằm phục hồi du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Raden Wisnu Sindhutrisno cho biết: Indonesia đang nỗ lực phục hồi lại ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Ông cho biết, Indonesia đã đưa ra hai chiến lược chủ chốt: chiến lược thứ nhất là triển khai 2 loại thị thực, cùng với việc miễn thị thực cho các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tạo thuận lợi cho du khách quốc tế.

Loại đầu tiên là thị thực khi đến (VoA), được cấp cho du khách nước ngoài khi nhập cảnh Indonesia. Loại thứ hai là thị thực “ngôi nhà thứ hai” dành cho khách du lịch nước ngoài hoặc những người từng là công dân Indonesia muốn sinh sống và đóng góp cho nền kinh tế nước này. Song song với đó, Indonesia còn miễn thị thực cho du khách từ 9 quốc gia thành viên ASEAN gồm Brunei, Philippines, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chiến lược thứ hai tập trung nhiều vào việc phục hồi ngành du lịch, thu hút nhiều du khách hơn được thực hiện thông qua Chương trình Tiếp thị Du lịch, bao gồm việc tổ chức các cuộc triển lãm, Famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), các chương trình khuyến mãi và bán hàng tại các lễ hội.

Hiện Indonesia đang triển khai chương trình “DiIndonesiaAja (chỉ ở Indonesia)” với mục tiêu thu hút hơn 1,2 tỷ lượt khách du lịch nội địa trong 2023 bên cạnh du khách quốc tế. Bên cạnh những hoạt động về  triển lãm và hội chợ du lịch quy mô lớn ở trong và ngoài nước, Indonesia sẽ tổ chức hơn 100 sự kiện quốc gia thuộc chương trình Karisma Nusantara, 30 sự kiện MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) và 50 sự kiện thể thao trong năm 2023 này. 

Chính phủ Indonesia cũng tiếp tục triển khai 2 chiến dịch “Indonesia Care” và “Desa Wisata (Làng Du lịch)”. Trong đó, “Indonesia Care”, tập trung vào việc thực hiện các giao thức y tế trong lĩnh vực du lịch. “Desa Wisata” nhằm thúc đẩy tạo việc làm và nâng cao sức cạnh tranh du lịch của 1.200 ngôi làng trên cả nước. 

Như Ý