Thể chế là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển

- Thứ Năm, 09/12/2021, 06:00 - Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV diễn ra hồi đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của thể chế lại phụ thuộc lớn vào chất lượng hệ thống pháp luật.

Cũng trong tháng 11, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ xác định dành ưu tiên cao nhất cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ ba khâu đột phá chiến lược. Theo Thủ tướng, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII và các nghị quyết của Chính phủ từ khi được kiện toàn cũng nhấn mạnh cần ưu tiên cho công tác này.

Như vậy có thể thấy, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng. Và thực tế những năm qua, nước ta rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” thể hiện qua tình trạng bộ máy tổ chức còn trùng lắp, cồng kềnh, kém hiệu quả; hệ thống luật pháp vẫn còn chồng chéo, thủ tục rườm rà, không rõ ràng. Lý do là bởi nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác xây dựng thể chế. Chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển từ đó dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư chưa xứng tầm với một khâu đột phá chiến lược. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là việc tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật còn yếu dẫn đến không biết chính sách đúng - sai thế nào? Do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi?

Để giải quyết những "điểm nghẽn", những "nút thắt" này, trước tiên cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Cùng với đó là phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục, khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Đặc biệt, trong quá trình thiết kế chính sách, pháp luật cần giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Các đối tượng chịu tác động phải được lấy ý kiến. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước...

Xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là đầu tư cho phát triển bền vững, là “đòn bẩy” kiến tạo, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực. Vậy nên trong quá trình thực hiện phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì chúng ta yêu cầu một Chính phủ liêm chính, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp cũng phải liêm chính. Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ "cài cắm" vào quá trình xây dựng luật. Chất lượng dự án luật phải phản ánh thực tế cuộc sống, đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời bảo đảm yêu cầu của các điều ước quốc tế. Cuộc sống không thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật khó lòng đi vào cuộc sống.

Ninh Hà