Thay đổi cả về lượng và chất

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:13 - Chia sẻ
Nhận định về thực trạng cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, một chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng, quá trình thực thi chậm, còn tình trạng “bình mới rượu cũ”. Bản thân doanh nghiệp, bộ chủ quản cũng không muốn cổ phần hóa, vì lo ngại lợi ích, cả trực tiếp và gián tiếp có thể bị ảnh hưởng.

Nhìn nhận ở góc độ thực tế, nhận định này là có cơ sở bởi theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, 11 tháng qua, mới chỉ có 3 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng lại không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp. Về thoái vốn, 11 tháng qua, chỉ thực hiện thoái vốn với giá trị 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 52,8 tỷ đồng, thu về 85,1 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại 12 doanh nghiệp với giá trị 1.599,4 tỷ đồng, thu về 4.271,7 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến hết tháng 9.2021, có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là trong số 183 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 39 doanh nghiệp thuộc danh mục 128 doanh nghiệp được Thủ tướng phê duyệt, mới đạt 30% kế hoạch.

Nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong những năm gần đây chưa bao giờ dễ dàng. Minh chứng cụ thể nhất là năm 2017 - năm được đánh giá là có kết quả tích cực cũng chỉ cổ phần hóa được 69 doanh nghiệp. Sang năm 2018, số doanh nghiệp cổ phần hóa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án giảm còn 23 và năm 2020 chỉ cổ phần hóa được 9 doanh nghiệp, trong đó, có 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan, cả nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, khách quan là bởi dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài dẫn đến việc chuẩn bị cho cổ phần hóa và thoái vốn như xác định giá trị doanh nghiệp, đấu thầu, thuê tư vấn... không thể thực hiện được. Là bởi năm 2021 là năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025 nên còn có tâm lý chờ đợi, không tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn. Nguyên nhân chủ quan là đa số doanh nghiệp nhà nước đều trì hoãn triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như chậm sửa đổi quy định về cổ phần hóa, thoái vốn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm. Do một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; do vướng mắc trong triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn để cổ phần hóa, thoái vốn quy định tại một số Nghị định...

Do vậy, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn, vấn đề mấu chốt là phải rà soát, chỉ rõ những quy định còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện phải có sự thay đổi cả về lượng và chất, phải có "địa chỉ" chịu trách nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng kéo dài năm này qua năm khác, gây thất thoát, lãng phí tài sản và ngân sách nhà nước.

Ninh Hà