Một số điểm nghẽn về chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang tạo nên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần sớm được tháo gỡ, khắc phục; trong đó cần xem xét cả chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật chung về PPP.
Vì vậy, để có góc nhìn toàn diện, đầy đủ nhằm tìm kiếm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho các đơn vị sự nghiệp thể thao, cần xem xét, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn chung, tổng thể của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các đơn vị sự nghiệp thể thao). Đồng thời đi sâu phân tích thêm những khó khăn riêng, đặc trưng, đặc thù của các đơn vị sự nghiệp thể thao để nghiên cứu yêu cầu, điều kiện, khả năng xây dựng chính sách PPP. Từ đó, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ một cách đầy đủ, toàn diện, thích hợp, đồng bộ, hiệu quả cho lĩnh vực này.
Cụ thể, có ba vấn đề được đặt ra. Một là, tìm hiểu, đánh giá về những vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, tìm hiểu, đánh giá về những khó khăn, vướng mắc chủ yếu, phổ biến trong triển khai áp dụng chính sách, pháp luật trong thực tiễn hoạt động tại các đơn vị.
Ba là, nghiên cứu, đánh giá về những hạn chế yếu kém trong tổ chức thực thi các quy định pháp luật của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm sớm có giải pháp khắc phục kịp thời.
Qua tổng hợp, phân tích thông tin đã thu thập và cập nhật đối với 3 nhóm vấn đề trên cho thấy: Một số nội dung quy định pháp luật còn thiếu, chưa thống nhất; Quy hoạch tổng thể mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước chưa bảo đảm; Một số quy định về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được cụ thể hoá hoặc sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện; Cơ chế quản lý tài chính tại nhiều đơn vị còn bất cập, qua kiểm tra, giám sát cho thấy cần được giải quyết ở góc độ cơ chế, chính sách;
Một số quy định về quản lý, sử dụng tài sản công còn vướng mắc, có khó khăn khi triển khai áp dụng thực tiễn. Trong tổ chức thực hiện còn hạn chế trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như thu hút nhân tài; Nhiều đơn vị chưa chủ động xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực;
Phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị một số nơi còn hạn chế, trong đó: Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho nhiều đơn vị sự nghiệp công còn lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí...
Một số tồn tại, hạn chế có tính phổ quát, đang tác động ở diện rộng và là những vấn đề cơ bản nên cần phải ưu tiên xem xét giải quyết trước, trước khi xem xét đến áp dụng các chính sách hợp tác công tư.
Đặc biệt, nghiên cứu chính sách hợp tác công tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao cần phân tích kỹ lưỡng những đòi hỏi về yêu cầu, điều kiện và dự báo, đánh giá tác động của những khó khăn vướng mắc có thể xảy ra. Trước hết cần tiếp cận nguyên tắc gắn với bản chất, mục tiêu thì PPP là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao nhằm mang lại lợi ích cho cả nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng dịch vụ.
Vì vậy, ở đây chúng ta không chỉ quan tâm đến lợi ích nhà nước và người sử dụng dịch vụ, mà yếu tố quan trọng nhất để kêu gọi đầu tư tư nhân tham gia đối tác công tư là phải có cơ chế bảo đảm để nhà đầu tư có lợi ích đủ lớn, đồng thời bảo đảm các điều kiện về quy trình, thủ tục để thuận lợi cho họ hoạt động ổn định, lâu dài.
Theo đó, cần lưu ý, nếu để bảo đảm phương án tài chính bù đắp chi phí đầu tư sẽ đòi hỏi hoạt động hợp tác công tư phải cung cấp được khối lượng dịch vụ có thu tiền đủ lớn để hoạt động có lợi nhuận. Đây là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi quyết định đầu tư PPP. Đặc biệt phải xem xét trong mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm đạt được mục tiêu tổng thể, dài hạn của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, không thể coi nhẹ bất cứ khía cạnh hay mục tiêu nào.
Bên cạnh đó, cần đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về quy định pháp luật đối với hoạt động văn hoá, thể thao hiện không thuộc lĩnh vực được áp dụng PPP; đồng thời phân tích, dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong áp dụng PPP đối với các đơn vị sự nghiệp thể thao kể cả khi chính sách này được thể chế hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật; cần đánh giá những tác động tiêu cực từ thực trạng năng lực, trình độ, nhận thức của bộ phận trực tiếp thực thi PPP, những khó khăn về thực trạng nguồn lực đầu tư công, vấn đề về quy hoạch, khai thác quỹ đất, trong đó đặc biệt lưu ý - không phải tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao nào cũng có thể áp dụng hình thức PPP xét trên cả khía cạnh mục tiêu và điều kiện thực hiện…
Từ những đánh giá, phân tích nêu trên, có 6 giải pháp căn bản như sau:
Một là phải tập trung đánh giá toàn diện thực trạng các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục, theo đó tạo nền tảng môi trường pháp lý chung thống nhất, đồng bộ, hiệu lực giúp các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai các giải pháp áp dụng cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị; đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như xem xét áp dụng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đối với các đối tượng này.
Hai là rà soát hoàn thiện quy hoạch tổng thể, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy; áp dụng các giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình mới, đặc biệt trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.
Ba là nghiên cứu, đánh giá nhằm phân loại, tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp. Cần đánh giá, phân tích kỹ lưỡng để bố trí chỉ dùng nguồn lực công đầu tư cho những lĩnh vực, hoạt động mà khu vực tư không thể làm hoặc không muốn làm, đồng thời phải tính đến tránh trường hợp đưa ra triển khai PPP nhưng không thể thực hiện, hoặc triển khai được nhưng không đạt được mục tiêu đã định. Việc phân loại để xác định công-tư cũng cần linh hoạt, theo đó có thể nghiên cứu các hình thức hỗn hợp để tối ưu hoá phương án tổ chức thực hiện.
Bốn là nghiên cứu đề xuất áp dụng PPP ở phạm vi rộng hơn cho lĩnh vực văn hóa thể thao và/hoặc đề xuất thí điểm PPP tại các dự án do các đơn vị sự nghiệp thể thao thuộc quản lý của các Bộ, Ngành quản lý.
Năm là nghiên cứu cơ chế phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động từ chính các đơn vị sự nghiệp thể thao, theo đó các đơn vị không trông chờ, ỷ lại mà cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn cho cơ quan, đơn vị mình dựa trên nguồn lực và điều kiện thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Sáu là nghiên cứu cơ chế khuyến khích và cơ chế bảo vệ để thúc đẩy quyết tâm đổi mới từ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thể thao; theo đó tạo ra nhân tố dẫn dắt đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy cải thiện hiệu quả quản lý khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; tránh tình trạng sợ khó, sợ sai, sợ trách nhiệm...