Thành quả từ nỗ lực sáng tạo

- Thứ Bảy, 27/04/2013, 09:25 - Chia sẻ
Bằng niềm say mê và sự nỗ lực, tập thể cán bộ Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ KH - CN đã nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng ứng dụng thực tế cao, phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tập thể cán bộ nữ của Trung tâm mới đây vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012.

Đóng góp cho sự phát triển nền khoa học

Từ khi thành lập đến nay (1989), Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Viện Ứng dụng công nghệ không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm gắn liền với đời sống dân sinh, cống hiến cho sự nghiệp KHCN của nước nhà. Ngay từ năm 1993, Trung tâm đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo phục vụ cho dinh dưỡng người và động vật”, bước đầu chế thử sản phẩm viên nén cốm Lina từ tảo Spirulina và thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm từ vi tảo. Đề tài đã được Hội đồng KHCN nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc và đoạt giải thưởng VIFOTEC dành cho các công nghệ ưu tiên năm 1996.

Từ kết quả đó, năm 2008, Trung tâm đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ KH - CN có tên “Sản xuất một số sản phẩm (viên nén, viên nang, cốm) giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ tảo Spirulina”, nhằm triển khai sản xuất các sản phẩm viên nén, viên nang, cốm từ tảo Spirulina với mục tiêu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Các sản phẩm này của dự án đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.


Cán bộ của Trung tâm Sinh học thực nghiệm trong phòng thí nghiệm
Những năm gần đây, Trung tâm liên tục gặt hái được nhiều thành công từ các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường như: công trình Một số giải pháp sinh học trong xử lý môi trường, nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý phế thải nông nghiệp bằng công nghệ vi sinh vật tạo phân bón hữu cơ tại xã Thanh Nguyên, Thanh Liêm, Hà Nam”; trong lĩnh vực công nghệ sinh học như: bảo tồn và nhân giống một số loại cây trồng có giá trị; tách chiết và sử dụng các hoạt chất sinh học. Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai một số hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật, sản xuất thử nghiệm. Các chế phẩm sinh học phục vụ xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản, sản xuất một số giống cây trồng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhiều sản phẩm đã đến được tay người tiêu dùng. Không những thế Trung tâm còn chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sinh học. Trung tâm có phòng công nghệ sinh học môi trường được cấp chứng chỉ công nhận phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO IEC 17025. Mỗi một đề tài thành công là một niềm vui cho chính những cán bộ nghiên cứu của Trung tâm.

Tạo kênh thu nhập từ thành quả nghiên cứu

Giám đốc Trung tâm Ts Phạm Hương Sơn cho biết, Trung tâm hiện có tới 17 cán bộ nữ trên tổng số 22 cán bộ. Mặc dù vậy, do công việc trong phòng thí nghiệm cần sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận nên rất phù hợp với phụ nữ. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, các chị đã nhận được nhiều sự động viên khuyến khích từ phía gia đình, cơ quan nên công tác nghiên cứu khoa học của mỗi cán bộ và của Trung tâm luôn đạt hiệu suất và hiệu quả cao. Đến nay, Trung tâm đã thực hiện 5 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước, 31 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, 30 nhiệm vụ KHCN cấp Viện, 95 bài báo đăng trên các Tạp chí khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế, nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ… và hầu hết đều do cán bộ nữ làm chủ nhiệm đề tài. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia đào tạo 11 tiến sỹ, thạc sỹ, 18 sinh viên và cử 9 cán bộ đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài.

Nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước do Trung tâm nghiên cứu đã được triển khai, ứng dụng vào thực tế; cụ thể như: đề tài nghiên cứu công nghệ sử dụng một số loại màng để bảo quản một số loại quả trong lĩnh vực bảo quản rau quả tươi thân thiện với môi trường đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Kết quả của đề tài đã được ứng dụng thực tế tại Công ty xuất nhập khẩu Bắc Giang để bảo quản vải và Công ty xuất nhập khẩu hoa quả Sài Gòn để bảo quản xoài cát Hòa Lộc, giúp các đơn vị kéo dài được thời gian bảo quản quả, bảo đảm chất lượng xuất khẩu.

Cùng với đó, Trung tâm đã và đang triển khai, phát triển thị trường sản phẩm của dự án tạo thêm một kênh thu nhập cho cán bộ dựa trên thành quả của chính những nghiên cứu có được của Trung tâm. Có thể kể đến đề tài trọng điểm cấp Bộ nghiên cứu trồng cây Nopal trên các vùng đất cát khô hạn làm cây che phủ đất, làm thức ăn gia súc và bước đầu xác định khả năng làm rau cho người trở thành đơn vị nghiên cứu đầu tiên nhập nội cây xương rồng Nopal từ Mexico, nhân giống in vitro thành công với số lượng cây giống khá lớn và triển khai trồng thử nghiệm cây Nopal trên diện rộng tại Ninh Phước (Ninh Thuận), trồng thử nghiệm tại Cam Lâm (Khánh Hòa - vùng IV Hải quân), Đồng Phú (Bình Phước), Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và đảo Trường Sa - tạo nguồn cây giống phục vụ công tác chống sa mạc hóa, xói mòn và cung cấp rau quả cho các vùng đất khô cằn. Kết quả “Nghiên cứu quy trình nhân nhanh cây xương rồng Nopal bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” đã được tặng cúp vàng Techmart Việt Nam năm 2007...

Những nỗ lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Viện Ứng dụng công nghệ nói chung và tập thể nữ của Trung tâm nói riêng đã được ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng các cấp; trong đó phải kể đến tập thể cán bộ nữ vừa qua đã vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012. Thành công đó cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ Trung tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó cũng chính là động lực để hoạt động nghiên cứu khoa học của Trung tâm ngày càng hiệu quả và phát triển không ngừng trong thời kỳ hội nhập của đất nước.

Phương Nga - Diệu Huyền