Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh

- Thứ Tư, 09/12/2020, 17:37 - Chia sẻ
Chiều 9.12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp

Ảnh: Quang Khánh 

Giảm 2 đơn vị cấp huyện, 10 đơn vị cấp xã

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đề xuất, sắp xếp 19 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của thành phố Hồ Chí Minh để hình thành 9 ĐVHC cấp xã mới. Trong các ĐVHC cấp xã của thành phố Hồ Chí Minh được đề xuất sắp xếp có 10 ĐVHC không đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân cư theo quy định hiện hành, thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp, đồng thời có 9 ĐVHC liền kề. Sau khi sắp xếp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thành phố Hồ Chí Minh giảm 10 ĐVHC cấp xã (chiếm 3,22%), từ 322 đơn vị xuống còn 312 đơn vị.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi sắp xếp vẫn còn 8 ĐVHC mới chưa đạt tiêu chuẩn, trong đó có 7 ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và có một ĐVHC cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Vì các ĐVHC này đang trong quá trình xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các khu dân cư mới (ví dụ như khu đô thị mới Thủ Thiêm); quy mô và mật độ dân số các phường sau khi sắp xếp rất lớn, có tính chất đặc thù về lịch sử hình thành, văn hóa và theo nguyện vọng của đa số cử tri trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh

Ảnh: Quang Khánh 

Về việc giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở các ĐVHC cấp huyện, cấp xã (gồm cả người hoạt động không chuyên trách ở phường) thực hiện sắp xếp, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, sẽ xem xét, bố trí, điều động về công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận hoặc sang quận, huyện khác và các Sở, ngành của Thành phố. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi); giải quyết thôi việc theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo Nghị định số 26/2015 của Chính phủ. Ngoài các giải pháp và thực hiện chế độ, chính sách nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quyết định của HĐND và UBND Thành phố. Các chính sách này sẽ được thực hiện đến hết 31.12.2022.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án sắp xếp 19 ĐVHC cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh để hình thành 9 ĐVHC cấp xã mới. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Chính phủ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có giải pháp, biện pháp phù hợp để làm tốt công tác quy hoạch, quản lý dân cư, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn một số phường sau sắp xếp có mật độ dân số lớn như phường An Khánh (Quận 2), phường 2 (Quận 10)...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật

Ảnh: Quang Khánh 

Bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn

Tại Tờ trình này, Chính phủ cũng đề xuất, thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một Thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hồ sơ, thủ tục đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh đã đáp ứng đủ theo quy định, cụ thể: đã tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các địa bàn có liên quan, kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Đề án cũng đã được Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan của thành phố Hồ Chí Minh tán thành (có hồ sơ kèm theo).

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 ĐVHC cấp huyện nhằm thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Ủy ban Pháp luật cho rằng, thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là hạt nhân, một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế phía Nam phát triển. Mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là một mô hình mới, chưa có trong tiền lệ nhưng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (Điều 110), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Điều 2) và mới đây nhất là Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 ĐVHC cấp huyện như đề nghị của Chính phủ là thực sự cần thiết, bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc đề nghị thành lập Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh

Ảnh: Quang Khánh 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về việc đề nghị thành lập Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh; Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình về việc thành lập Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện trực thuộc cấp tỉnh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.

Thảo luận về Tờ trình của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh có đủ cơ sở chính trị, pháp lý.

Về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhấn mạnh, thành phố Thủ Đức có vị trí và tác động đặc biệt. Về vị trí, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ có thể thấy, thành phố Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Về tác động, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, thành phố Thủ Đức sẽ có tác động lớn khi được xác định phát triển theo mô hình một đô thị sáng tạo, tương tác cao và là động lực phát triển của thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu

Ảnh: Quang Khánh 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ và HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý quy hoạch thành phố này trong tương lai phải đúng tầm với các kỳ vọng đặt ra với thành phố này; giải quyết khiếu nại, tố cáo; huy động vốn đạt hiệu quả cao nhất; kiện toàn bộ máy...  Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, Chính phủ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất làm việc cho chính quyền thành phố Thủ Đức. “Một chính quyền đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô lớn hơn, lượng cán bộ công chức đông hơn, song chỉ sử dụng trụ sở của một đơn vị hành chính hiện hành sẽ là không phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại lưu ý.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quan tâm đến việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án thành phố Thủ Đức. Lý do bởi, dù thành phố Thủ Đức tương đương với đơn vị hành chính cấp quận, huyện hiện hành, song số lượng vụ án cần xét xử sẽ rất lớn, thẩm phán ở thành phố Thủ Đức có thể phải xét xử số vụ việc cao gấp đôi so với chỉ tiêu xét xử của thẩm phán Tòa án nhân dân cùng cấp. Do vậy, về nguyên tắc, trong thời gian tới sẽ phải tăng cường cán bộ tư pháp cho thành phố Thủ Đức, có chế độ đặc thù riêng so với các cơ quan tư pháp cấp huyện hiện nay.

Tuy nhiên, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uồng Chu Lưu cho rằng, do chưa có đề xuất đồng bộ của các cơ quan tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội và vấn đề này liên quan đến việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản chế độ, chính sách tiền lương cán bộ, công chức, xác định vị trí việc làm… nên tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nghị quyết chung về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2020 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

P.Thủy