Ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù để phát triển thành phố Thanh Hóa và các địa phương
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam nhấn mạnh: Tỉnh Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là điểm kết nối Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ với Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Tây Bắc. Từ một trong những tỉnh nghèo, với điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.
Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16.8.2004 của Bộ Chính trị khóa IX “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010”; Kết luận số 25-KL/TW ngày 2.8.2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, giao thương và hợp tác phát triển.
Trong những năm qua, việc liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng được quan tâm và ngày càng phát triển.
Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa nhanh và bền vững với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn... bảo đảm hài hoà và cân đối giữa các vùng, miền, nhất là giữa vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi; giữa thành thị và nông thôn”.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các Nghị quyết về cơ chế đặc thù để phát triển thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn; đồng thời, cũng tạo động lực, điều kiện cho các địa phương khác trong vùng cùng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa, đó là: Nghị quyết số 303/2022/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thanh Hóa; Nghị quyết số 298/2022/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Sầm Sơn; Nghị quyết số 299/2022/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển huyện Thọ Xuân.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết 58-NQ/TW, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, trọng tâm là:
Thứ nhất, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 3 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 4 vùng kinh tế động lực; 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.
Thứ hai, với vị trí chiến lược, có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt (IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế; có các quốc lộ 1A, 15A, 217, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc phía Đông, đường ven biển chạy qua, tạo điều kiện cho Thanh Hóa liên kết kinh tế với các tỉnh nội Vùng, duyên hải Trung bộ, thủ đô Hà Nội, các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Vùng Tây Bắc. Hiện nay, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước.
Thứ ba, xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ (Cluster) về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch.
Thứ tư, là tỉnh có miền núi rộng, tỷ lệ lao động và dân số nông nghiệp, nông thôn còn lớn, Thanh Hóa tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế. Xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối các đô thị của tỉnh Thanh Hóa với các đô thị trong vùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam nhấn mạnh, qua công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với vùng, liên vùng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là:
Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, thiếu tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố.
Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu yếu nhất trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay; chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ; việc liên kết vùng vẫn còn hạn chế do yếu tố địa giới hành chính.
Các quy định về đối tượng, nội dung, tiêu chuẩn của một số nghị quyết chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Nhu cầu kinh phí để thực hiện các nghị quyết rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, nên ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện một số nghị quyết, nhất là những nghị quyết về cơ chế, chính sách, đầu tư công.
Việc tổ chức triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành còn lúng túng, khó khăn ban đầu; vẫn còn những tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của các nghị quyết. Một số nghị quyết tiến độ thực hiện còn chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hút được đối tượng tham gia.
Công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết còn chưa thường xuyên, liên tục; nhiều nghị quyết được ban hành từ nhiệm kỳ trước, khó triển khai trong thực tiễn nhưng chưa được giám sát.
Giám sát thực hiện nghị quyết gắn với vùng, liên vùng
Để nâng cao việc tổ chức thực hiện giám sát và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với vùng, liên vùng, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của từng địa phương phải gắn với vùng, liên vùng, tránh tình trạng là mô hình “thu nhỏ” của quốc gia; các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch phải thể hiện được tính đặc thù, thế mạnh của mỗi địa phương và liên kết nội vùng. Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh dàn trải, phải tính đến lợi ích kinh tế chung và lợi ích vùng và liên vùng. Khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.
Hai là, xây dựng chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên huyện, liên tỉnh, liên vùng, có những nhiệm vụ nếu chỉ từng địa phương thực hiện thì hiệu quả không cao, cần có sự hợp tác liên kết trong vùng và từng tiểu vùng; xây dựng cơ chế điều phối, quản trị vùng. Cần quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của mỗi vùng, mỗi địa phương để đảm bảo tính công bằng giữa các cộng đồng, tầng lớp dân cư, dân tộc, tạo cơ hội phát triển, chia sẻ lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là giữa các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
Ba là, trên cơ sở các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về các quy hoạch, kế hoạch cần tập trung các nguồn lực và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng. Đối với các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, cần có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội; làm rõ chức năng bảo tồn sinh thái, gìn giữ văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị.
Bốn là, làm tốt công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp tỉnh đối với việc tổ chức thực hiện nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối và chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn với vùng, liên vùng. Kịp thời phát hiện những bất cập để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Năm là, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Thanh Hóa được xác định trong liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Đồng thời, trên thực tế việc liên kết, phát triển của Thanh Hóa với các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc đã và đang là xu thế tất yếu. Do đó, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tính toán, định vị sự phát triển của Thanh Hóa cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.