UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường trách nhiệm trong công tác tham mưu, giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện tốt công tác tham mưu, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chất lượng tham mưu của một số ngành, địa phương, đơn vị có lúc, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhưng triển khai thực hiện chậm tiến độ, chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan… “Những hạn chế, yếu kém nêu trên đang làm cản trở sự phát triển của tỉnh”, Chỉ thị nêu.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện đề cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; không trình UBND tỉnh, các lãnh đạo UBND tỉnh những công việc thuộc thẩm quyền được giao theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của UBND tỉnh.
Cùng với đó, tuyệt đối không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương mình sang cơ quan khác. Khi giải quyết công việc, cơ quan được giao chủ trì phải chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan để né tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ.
“Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; chủ động điều chuyển, thay thế theo đúng quy định; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Đối với Văn phòng UBND tỉnh, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và việc thực hiện Quy chế làm việc của UBND tỉnh, Chương trình công tác của UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Tổ Công tác tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định; tham mưu, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, giải quyết các công việc theo đúng Quy chế làm việc của UBND tỉnh…
Đối với Sở Nội vụ, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương; kiên quyết đề xuất điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu kém, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.
Cùng với đó, Sở Nội vụ cần tham mưu văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về điều chuyển vị trí công tác đối với những người quản lý, tham mưu, theo dõi lĩnh vực nhạy cảm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất, xử lý công việc; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10.6.2023.