ĐBQH Hà Quốc Trị (Khánh Hòa):Sôi nổi, chất lượng, toàn diện, tâm huyết
Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các nội dung được sắp xếp bài bản, khoa học. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kỳ họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp tập trung với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh. Đáng lưu ý, đây là lần đầu Quốc hội họp tổ theo hình thức trực tuyến, thử nghiệm các hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị Ipad. Các ý kiến tại phiên họp tổ đều được tổng hợp rất nhanh, kịp thời phục vụ phiên thảo luận tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, có chất lượng, toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ Hai đã tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho các đại biểu được đặc biệt chú trọng, bảo đảm an toàn.
Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 ngày rưỡi diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ này. Các đại biểu Quốc hội đều đặt câu hỏi thẳng thắn, trực diện, phản ánh đầy đủ những vấn đề còn nhức nhối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, lao động, thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư. 4 bộ trưởng nắm rõ ngành, lĩnh vực mình phụ trách, không vòng vo, né tránh; thông qua trả lời chất vấn, các bộ trưởng có thêm cơ hội thông tin, báo cáo với cử tri, Nhân dân cả nước những vấn đề còn đang vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn rất linh hoạt. Những câu hỏi mang tính liên ngành, liên bộ đều được Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành khác cùng tham gia giải trình ngay tại phiên chất vấn.
Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang): Điểm nhấn là hoạt động chất vấn, với 3 trong 4 bộ trưởng phụ trách các ngành thuộc lĩnh vực xã hội
Có thể khẳng định, Kỳ họp thứ Hai đã thành công tốt đẹp cả về tiến độ và chất lượng công việc. Sau 16 ngày rưỡi làm việc, gồm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp với tập trung, kỳ họp đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, đồng hành với cả nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra để sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy diễn ra trong khoảng thời gian ngắn so với thông lệ các kỳ họp cuối năm trong những nhiệm kỳ gần đây, nhưng Quốc hội đã làm việc tích cực, khẩn trương, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể hoàn thành khối lượng công việc khá lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để thảo luận tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Điểm nhấn của Kỳ họp, theo tôi, chính là hoạt động chất vấn đối với 4 Bộ trưởng. Thủ tướng Chính phủ tham gia trả lời các chất vấn của đại biểu. Nhiều câu hỏi về những vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm, trông đợi, đã được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn đặt ra với tinh thần xây dựng cao, nhất là liên quan tới việc thực thi chế độ, chính sách và công tác phòng chống dịch Covid-19, các vấn đề quốc kế dân sinh, các vấn đề của trung ương cũng như của từng địa phương; những vấn đề mang tính dài hơi, chiến lược vì sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Cơ bản các bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt được, chưa được, những lĩnh vực phải nỗ lực hơn nữa của ngành, lĩnh vực trong thời gian tới. Điều rất khác của hoạt động chất vấn lần này so với hoạt động chất vấn trước đây là 3 trong 4 bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội phụ trách các ngành thuộc về lĩnh vực xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự kỳ vọng của cử tri cả nước tới bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân bên cạnh các vấn đề kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri kỳ vọng rằng, các giải pháp mà các bộ trưởng đưa ra sẽ được thực thi đồng bộ, hiệu quả trên thực tế, giúp người dân an tâm ổn định cuộc sống.
Điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất khoa học, có sự dẫn dắt trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn giữa đại biểu Quốc hội và các bộ trưởng. Với sự am hiểu bao quát, tổng hợp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội đã cung cấp thêm nhiều thông tin quý báu để nội dung chất vấn đi vào chiều sâu, tạo điều kiện để các đại biểu và bộ trưởng trao đổi dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, hiệu quả.
Tôi đánh giá cao việc Kỳ họp thứ Hai được tiến hành theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Đây là cách tổ chức vừa khoa học, hợp lý lại rất hiệu quả, không chỉ phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn rất phù hợp để nghiên cứu tiếp tục áp dụng với cả những kỳ họp sau. Trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ họp có một số điểm mới được triển khai hiệu quả, đạt kết quả tốt như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ…
Theo nhận xét của nhiều cử tri, hoạt động hiệu quả của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tiếp tục cho thấy chất lượng của đại biểu Quốc hội ngày càng nâng cao, với năng lực, trí tuệ và sự hiểu biết vừa sâu, vừa rộng. Bên cạnh các đại biểu Quốc hội đã có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường, thì nhiều đại biểu Quốc hội lần đầu trúng cử tham gia rất mạnh dạn, nhiệt tình, có trách nhiệm, có nhiều đóng góp chất lượng tại diễn đàn Quốc hội.
ĐBQH Vũ Trọng Kim (Nam Định): Cơ chế đặc thù với địa phương phải được thực hành chủ động, sáng tạo, hiệu quả cao
Dù thời gian họp được chủ động rút ngắn hơn so với các kỳ họp cuối năm trước đây, nhưng Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, với khối lượng công việc lớn, thực hiện đầy đủ các chức năng lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng quốc gia. Các phiên họp trực tuyến đều diễn ra nghiêm túc, đi sâu vào các nội dung cần thảo luận. Tinh thần này cũng được mang vào đợt họp tập trung, các đại biểu đã nghiên cứu kỹ lưỡng những nội dung họp, thảo luận kỹ để thống nhất quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, nổi bật là những quyết nghị về khắc phục thiệt hại của dịch bệnh Covid-19 gây ra, rút kinh nghiệm từ quá trình ứng phó vừa qua, để xác định những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đưa kinh tế phát triển, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn; triển khai, cụ thể hóa các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Kết quả của Kỳ họp thứ Hai đạt được do có sự nhạy bén, linh hoạt, chủ động thích ứng với điều kiện mới, cũng như từ sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan khác. Đặc biệt, tại kỳ họp lần này đã triển khai thành công một số đổi mới về cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thử nghiệm biểu quyết điện tử, bố trí thảo luận tổ, tổng hợp nhanh và đầy đủ kết quả thảo luận tổ…
Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 2 luật, cho ý kiến với 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt; đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn. Trong đó, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế được thông qua nhằm tạo "cú hích" đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa vùng, miền. Khi có cơ chế, chính sách đặc thù, tôi cho rằng, mỗi địa phương cần nỗ lực làm chủ quá trình vận động và phát triển, phát huy mạnh mẽ hơn nữa, không để thời gian qua đi bị bỏ phí, vì Nghị quyết có thời hạn. Nói cách khác, những cơ chế, chính sách đặc thù này đến với địa phương phải được trân trọng, thực hành chủ động, sáng tạo nhằm bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi, tạo tiền đề tốt để áp dụng cho các địa phương khác.
Trong các phiên thảo luận về dự án luật, tình hình kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phòng chống dịch bệnh Covid-19 hay chất vấn và trả lời chất vấn, Đoàn Chủ tịch đều điều hành sâu sát, tập trung và cụ thể. Cách thức điều hành thảo luận đã giúp hướng tư duy, nhận định của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung cơ bản đang đặt ra trong quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội điều hành linh hoạt, sâu sát, sắc sảo, qua đó giúp sử dụng hiệu quả thời gian của từng phiên chất vấn, đưa ra nhiều vấn đề đang là đòi hỏi cấp bách trong thực tế, được cử tri và người dân quan tâm. Với những tiền đề từ những Kỳ họp thứ Hai, tôi tin tưởng vào chất lượng và hiệu quả cao của các kỳ họp tới đây.
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc): Ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch
Những kết quả của Kỳ họp thứ Hai tiếp tục khẳng định, Quốc hội luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ trước những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, mong đợi. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với lợi ích chính đáng của cử tri và Nhân dân. Nhiều vấn đề nóng bỏng, sát sườn với cuộc sống của người dân được đại biểu Quốc hội phản ánh, mang đến nghị trường. Trong đó có mong đợi những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt nêu nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn đang đặt ra cho nền kinh tế trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4.
Tôi rất ấn tượng với công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại kỳ họp lần này. Đơn cử những vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc khi tham gia đóng góp ý kiến đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ngay tại kỳ họp, giao cho Ban Dân nguyện xử lý kịp thời để phản ánh lại với cử tri và Nhân dân. Hoặc trong phiên thảo luận tại Tổ về công tác xây dựng luật, nhiều ý kiến của Đoàn cũng được tiếp thu, giải trình rất cụ thể… Tôi cho rằng, công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu một cách nhanh chóng, rõ ràng đã tạo thêm cho đại biểu Quốc hội có thêm nhiều góc nhìn “sắc” hơn đối với mỗi vấn đề; đồng thời, cũng là sự ghi nhận nỗ lực của các đại biểu Quốc hội khi những ý kiến phát biểu đều đã dành tâm huyết, thời gian để nghiên cứu vấn đề.