Thận trọng với chứng khoán!

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:21 - Chia sẻ
Thị trường chứng khoán đang tăng trưởng mạnh với nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đều phải rất thận trọng trước những dấu hiệu tăng trưởng nóng.
Các đại biểu đang trao đổi tại tọa đàm

Thị trường đang phát triển nóng?

Tại tọa đàm trực tuyến "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng qua, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) Nguyễn Sơn thông tin, hiện mức tăng trưởng thị trường cổ phiếu vào khoảng 105% GDP, thị trường trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) khoảng 46,5% GDP. Vốn hóa thị trường vào khoảng 150% GDP.

“Chỉ số chứng khoán đạt mức cao nhất trong 20 năm qua”, ông Sơn khái quát. Theo đó, VN-Index chốt phiên giao dịch ngày 28.6 đạt mức kỷ lục với 1.405 điểm. Trong 6 tháng qua, thanh khoản bình quân đạt 21.000 - 22.000 tỷ đồng. Riêng hai tháng gần đây, thanh khoản thông thường đạt hơn 1 tỷ USD/phiên giao dịch, cá biệt có những phiên lên tới 1,5 tỷ USD.

Nhìn vào sự tăng trưởng thị trường chứng khoán hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu có phát triển nóng?

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn nhấn mạnh, sự tăng trưởng này là rất tốt, khá phù hợp vì chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh trong năm 2020 cũng như 6 tháng đầu năm nay. Thêm nữa, tăng trưởng DGP 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố đạt 5,64%, dù thấp hơn so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-CP là 6,22% song vẫn là mức tích cực so với khu vực.

Bên cạnh đó, dòng vốn hiện khá dồi dào với mặt bằng lãi suất tương đối ổn định và khá thấp. Tín hiệu này sẽ kéo dài trong vài năm tới khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ thông báo chưa tăng lãi suất cơ bản và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạm thời giữ nguyên lãi suất. Đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn sẽ vẫn đổ vào các khu vực của thị trường, bao gồm chứng khoán.

Mặt khác, thị trường chứng khoán thế giới cũng chứng kiến sự tăng trưởng tốt, thậm chí ở Mỹ là mức tăng cao nhất mọi thời đại bất chấp nền kinh tế tăng trưởng âm do tác động của dịch Covid-19. Ngoài ra, trong bối cảnh đa số lĩnh vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh thì lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất ở một số khối ngành vẫn có điểm sáng.

Một điểm nữa được Chủ tịch VSD chỉ ra là theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mức dư nợ tín dụng ngân hàng vào chứng khoán trong 6 tháng qua tăng khoảng 3%. Tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế đối với cho vay chứng khoán khoảng 0,48%, tương ứng 46.700 tỷ đồng. Đây là mức thấp, không nóng và vẫn đang kiểm soát được, đặc biệt với dòng tiền từ ngân hàng. Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang kiểm soát được dòng vốn margin. 

Trái lại, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán hiện không còn là "hàn thử biểu" đối với nền kinh tế. Bởi năm ngoái, GDP tăng 2,91% là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua do chịu tác động của dịch bệnh và hiện chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, song chứng khoán đã tăng từ mức đáy 600 - 700 điểm lên 1.405 điểm trong phiên ngày 28.6, tức tăng 200%. “Bây giờ có thể chưa thấy bong bóng nhưng hiện tượng này vẫn có thể xảy ra”, ông Hiếu thận trọng.

Dấu hiệu của tăng trưởng nóng được ông Hiếu chỉ ra là tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay tăng 5,1% nhưng tăng trưởng huy động lại thấp hơn, cho thấy nhiều người thay vì đổ tiền vào ngân hàng đã chọn bất động sản và chứng khoán. Trong đó, phần lớn là nhà đầu tư cá nhân. “Nếu không kiểm soát được, bong bóng chứng khoán sẽ vỡ và rủi ro cho nền kinh tế”, ông Hiếu khuyến cáo.

Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam Nguyễn Sơn thông tin, cả nước hiện có khoảng 3,3 triệu tài khoản chứng hoán, trong đó chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay có 500.000 tài khoản mở mới. Số tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 40.000, trong đó 5.000 tài khoản của các định chế đầu tư có tổ chức ở nước ngoài. Dự báo 6 tháng cuối năm có thêm khoảng 300.000 tài khoản mới.

Ngăn doanh nghiệp “té nước theo mưa”

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam TS. Cấn Văn Lực cho rằng, vẫn có nhiều triển vọng khi nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng cả năm đạt 6,1 - 6,3%, các cân đối lớn vẫn được kiểm soát. Thêm vào đó, thực lực của thị trường cũng rất quan trọng, khi lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết năm nay dự báo tăng 20%.

Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn khi vai trò "hàn thử biểu" của thị trường chứng khoán với nền kinh tế đang lỏng lẻo. Dẫn nghiên cứu tại Mỹ, ông Lực thông tin, có 4 rủi ro đối với thị trường chứng khoán. Đó là các nước thắt chặt gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa; rủi ro do lạm phát tăng; chênh lệch sinh lời của doanh nghiệp bắt đầu co hẹp vì chi phí đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng sẽ ảnh hưởng giá chứng khoán; tăng thuế doanh nghiệp (Mỹ dự kiến tăng từ 21% lên 25%) cũng tác động trực tiếp tới thị trường.

Ở Việt Nam có thêm hai rủi ro khác. Theo đó, trên 90% nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, tâm lý đám đông vẫn còn. Bên cạnh đó, không loại trừ tình trạng một số doanh nghiệp “té nước theo mưa”, làm bóng kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Trong bối cảnh đó, thị trường có thể điều chỉnh giảm 7 - 10% là điều cần thiết và nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên hoảng loạn để bán thốc bán tháo. Cơ quan quản lý cũng cần cảnh báo tới các nhà đầu tư về điều này, đồng thời phải kiểm soát tránh tình trạng doanh nghiệp “té nước theo mưa”.

Nhìn rộng hơn trong cả giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn dự báo, thị trường sẽ có nhiều điểm sáng ở cả góc độ thị trường và góc độ quản trị.

Cụ thể, Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ đầu năm nay tạo ra thay đổi căn bản cho thị trường sau 20 năm xây dựng. Thứ nữa, cấu trúc lại hạ tầng thị trường, trong đó có HNX và HOSE, phân định trên nền tảng thị trường là cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, phái sinh. Tới đây sẽ lập ra thị trường start-up cũng tạo kỳ vọng tốt về cấu trúc thị trường. Song song với đó, sự thay đổi trên cơ sở nền tảng công nghệ khi đầu tháng 7 đưa vào vận hành hệ thống mới tại HOSE sẽ khắc phục nghẽn lệnh, đồng thời tạo dung lượng lớn gấp 4 - 5 lần hiện nay…

Riêng với VSD sẽ dựa trên nền tảng công nghệ để cho ra các sản phẩm, như thay vì ký quỹ 100% thì chỉ cần 10 - 20%; áp dụng cơ chế giao dịch trong ngày… Với sự chuẩn bị hiện nay, chúng ta có thể đạt chuẩn nâng hạng thị trường mới nổi theo bảng MSCI vào năm 2023 - 2024, ông Nguyễn Sơn tin tưởng.

Đan Thanh