Trong cuộc họp ngày 18.6, Thượng viện Thái Lan đã thông qua dự thảo Luật Bình đẳng hôn nhân với 130 trong số 152 thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, chỉ có 4 phiếu chống và 18 phiếu trắng. Như vậy, văn bản pháp lý này đã vượt qua rào cản lập pháp cuối cùng và đang chờ phê chuẩn chính thức của Vua Maha Vajiralongkorn để đi vào cuộc sống. Sau khi được ký và công bố trên Công báo Chính phủ, luật sẽ có hiệu lực trong vòng 120 ngày, mở rộng đầy đủ các quyền pháp lý, tài chính và y tế cho các cặp vợ chồng bất kể giới tính.
Thái Lan sẽ cùng với Nepal và Đài Loan trở thành những quốc gia và vùng lãnh thổ tiên phong về hôn nhân đồng giới ở châu Á. Trước đó, dự luật cũng đã nhanh chóng được Hạ viện thông qua vào tháng 4, với đa số ủng hộ áp đảo là 400 trong số 415 thành viên.
Khi được ban hành, luật mới sẽ sửa đổi Bộ luật Dân sự và Thương mại, thay thế các thuật ngữ dành riêng cho giới tính như “nam và nữ” bằng ngôn ngữ trung lập về giới tính như “cá nhân”. Bất chấp sự ủng hộ rộng rãi, nhiều người vẫn tỏ ra băn khoăn về bước tiến lập pháp mới. Tướng quân đội đã nghỉ hưu Worapong Sa-nganet bày tỏ lo ngại rằng, việc loại trừ các điều khoản dành riêng cho giới tính có thể làm suy yếu cấu trúc gia đình truyền thống ở Thái Lan.
Tuy nhiên, văn bản pháp lý này nhận được hoan nghênh nồng nhiệt của cộng đồng LGBTI+, coi đây là “chiến thắng cho công lý và nhân quyền”. Nhiều người cho rằng bình đẳng hôn nhân, không phân biệt giới tính là điều cần thiết đối với phẩm giá con người và cần được bảo vệ để tránh phân biệt đối xử.
Đảng Pheu Thai, kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, đã coi bình đẳng hôn nhân là mục tiêu trọng tâm, và thể hiện cam kết của mình bằng cách tích cực tham gia cuộc diễu hành Bangkok Pride hàng năm vào đầu tháng này. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong Pride Month (Tháng Tự hào) dành riêng cho cộng đồng LGBTI+ toàn cầu, được diễn ra từ ngày 1.6 đến 20.6. Nó không chỉ là dịp giúp họ tự hào về bản thân, mà còn để tôn vinh sự đa dạng và bộc lộ bản thân.