Tập trung lực lượng ứng phó, cứu hộ sau bão

- Thứ Năm, 29/10/2020, 06:27 - Chia sẻ
Tính đến 17h ngày 28.10, bão số 9 (Molave) đã làm 34 nhà bị sập; 56,1 nghìn nhà, 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái. Mưa lớn sau bão đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở một số địa phương. Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ và tập trung lực lượng để ứng phó, cứu hộ sau bão.

Quảng Ngãi: Hơn 53,3 nghìn nhà bị tốc mái

Bão số 9 đổ bộ đất liền Quảng Nam - Bình Định sáng 28.10 với sức gió mạnh nhất cấp 10 - 11 (90 - 115km/h), giật cấp 13; đến 16h cùng ngày đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. “Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin tại cuộc họp khẩn trưa 28.10 tại Ban Chỉ đạo tiền phương.

Tính đến 15h ngày 28.10, thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết bão số 9 đã làm 1 người chết, 2 người bị thương. Đến 17h, có 34 nhà bị sập; 56,1 nghìn ngôi nhà, 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái.

Tâm bão Quảng Ngãi tan hoang sau bão với 53,3 nghìn nhà bị tốc mái, cây xanh bật gốc, tôn lợp văng khắp nơi... Chiều 28.10, nước lũ sông Vệ vượt mức báo động 3 trên 0,3m và tiếp tục lên. Hàng nghìn hộ dân sống ven sông ở hai huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức được hướng dẫn khẩn trương di dời. Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo cả hai địa phương phải ưu tiên công tác di dời dân ở vùng trũng ven sông, bảo đảm không hộ dân nào bị nguy hiểm, trong đó, người già, trẻ em, người khuyết tật phải được hỗ trợ di dời trước tiên.

Bão số 9 làm hơn 56 nghìn ngôi nhà tốc mái
Nguồn: zing.vn

Bão số 9 tuy không đổ bộ trực tiếp vào Bình Định nhưng đã gây ảnh hưởng khá lớn. Ngoài 2 tàu đánh bắt xa bờ bị chìm ngày 27.10 với 26 ngư dân bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy, tính đến 17h ngày 28.10, tỉnh đã có 19 người bị thương. Đặc biệt, chiều 28.10, nước lũ bất ngờ đổ về gây ngập hàng loạt các địa phương và hàng nghìn hộ dân tại vùng miền núi huyện An Lão và huyện Hoài Ân. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết nước lũ làm hơn 920 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 250 hộ phải di dời khẩn cấp đã được các lực lượng hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn.

Tại Kon Tum, 1 cầu treo bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ với 680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng, huyện Kon Rẫy. Cùng với đó, 11 thôn, làng của xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei bị ngập lụt nghiêm trọng. Khoảng 50% trong tổng số 2.400 hộ của xã đã bị cô lập, không thể di chuyển.

Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn

Ban chỉ đạo tiền phương yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ sau bão; tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả, đặc biệt là Quảng Ngãi. Cùng với đó, triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các địa phương cũng được yêu cầu kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông cho đến khi bão tan; vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và bảo đảm an toàn công trình. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, tuy bão đã suy yếu khi vào đất liền nhưng hoàn lưu bão còn nguy hiểm, mỗi khu vực cần triển khai các biện pháp ứng phó khác nhau. Lũ trên các sông duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là sông Vệ (Quảng Ngãi) đã trên mức báo động 3 và tiếp tục lên cao, vì vậy cần tập trung công tác ứng phó, di dời người dân tại các vùng hạ du, vùng trũng để bảo đảm an toàn, không rủi ro thương vong. Khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, gió lớn nên phải nêu cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp đối phó “4 tại chỗ” để tránh thiệt hại. "Các địa phương không được chủ quan, phải tiếp tục ứng phó cho đến khi bão tan hẳn sau đó mới tập trung vào công cuộc tái thiết, phục hồi sản xuất, đời sống, môi trường".

Liên quan đến tàu cá BĐ98658 TS gặp nạn trên vùng biển Bình Định trong quá trình cứu hộ 2 tàu bị chìm trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu Hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh ra cứu hộ. Bộ Quốc phòng cũng đã quyết định điều động thêm tàu Kiểm ngư 490 cũng từ Cam Ranh xuất phát ra khu vực tàu BĐ 96338 bị chìm lúc 13h30 ngày 27.10. Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu phương án sẵn sàng sử dụng máy bay để bay tìm kiếm, thả phao và thông báo cho các lực lượng tàu tìm kiếm nạn nhân trôi dạt trên biển. Đội bay sẽ sẵn sàng ngay khi thời tiết cho phép.

Trong bản tin 15h ngày 28.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mực lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum đang lên. Trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có thể ở trên báo động 2, sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc và sông Vệ (Quảng Ngãi) đều trên báo động 3. Đáng lưu ý, đỉnh lũ trên sông Đắkbla (Kon Tum) có thể lên đến 522,5m - trên báo động 3 gần 2m. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở vùng núi và ngập lụt đô thị, vùng trũng ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và phía bắc Tây Nguyên.

Tiểu Phong