Tạo sức mạnh tổng thể cho mạng lưới thư viện

- Thứ Hai, 13/12/2021, 05:28 - Chia sẻ
Trong xu thế chuyển đổi số, việc xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia là vô cùng cấp thiết. Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) PHẠM QUỐC HÙNG, công việc này có ý nghĩa đối với quá trình hiện đại hóa hoạt động thư viện, tạo nguồn lực và sức mạnh tổng thể mạng lưới thư viện toàn quốc nhằm phục vụ người sử dụng ở mọi dạng thức.

Thống nhất, chuẩn hóa và hội nhập

- “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ có Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia. Ông có thể chia sẻ về vai trò, ý nghĩa của công việc này?

Thư viện cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin thống nhất
Nguồn: cand.com.vn

- Xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia đã được đề xướng kể từ khi ngành thư viện thực hiện tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là xu hướng tất yếu của thư viện hiện đại và đã hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, định hướng xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia đã được đề cập trong các văn bản, văn kiện nhằm hướng đến một nền thư viện hiện đại: thống nhất, chuẩn hóa và hội nhập.

Trong xu thế chuyển đổi số, vấn đề này lại được đặt ra và vô cùng cấp thiết, có ý nghĩa đối với việc đổi mới, hiện đại hóa hoạt động thư viện, thúc đẩy liên thông, liên kết giữa các thư viện, góp phần tạo nguồn lực và sức mạnh tổng thể cho mạng lưới thư viện toàn quốc nhằm bảo đảm phục vụ người sử dụng ở mọi dạng thức.

- Ông có thể cho biết ngành thư viện đã chuẩn bị những điều kiện gì cho việc xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia?

- Tôi muốn nhấn mạnh, việc xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia cần có sự thống nhất trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là khâu phát triển tài nguyên thông tin và phân tích, xử lý thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên thông tin của thư viện trong cả nước, tính liên thông giữa các thư viện và có một tổ chức (thư viện) có năng lực thực hiện liên thông, liên kết các loại thư viện trong cùng mạng lưới thư viện quốc gia cũng như duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu; các nguồn lực và hệ thống chính sách đi kèm.

Có nhiều tổ chức, thư viện đầu ngành có năng lực liên thông, liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Thư viện Quân đội… Các vấn đề về pháp lý liên quan đến việc liên thông, liên kết, chia sẻ và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ có liên quan cũng đã bước đầu được hoàn thiện, trong đó phải kể đến hệ thống pháp luật về thư viện gồm Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tránh trùng lặp, chồng chéo

- Việc xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia sẽ phải thực hiện qua nhiều khâu, nhiều biện pháp, giải pháp như thế nào?

- Để xây dựng Mục lục liên hợp tài liệu quốc gia cần thực hiện đồng thời cả các biện pháp kỹ thuật, phát triển đầu tư nguồn lực, trong đó đặc biệt là nguồn nhân lực thực hiện khâu phân tích, xử lý thông tin, và các cơ chế pháp lý kèm theo.

Về kỹ thuật, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên thông tin của thư viện bảo đảm sự thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo trong toàn hệ thống. Thiết lập cơ chế thu thập dữ liệu về một đầu mối; lựa chọn một đơn vị (thư viện) có khả năng thực hiện liên thông, liên kết, có năng lực thu thập, xử lý hệ thống dữ liệu do các thư viện khác cung cấp, để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ban đầu; phần mềm thư viện, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc vận hành.

Phát triển nguồn nhân lực để vận hành bao gồm nguồn nhân lực hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong xử lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thư viện và nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Cơ chế pháp lý cần lưu ý như cơ chế trong liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin sau khi xử lý cho đơn vị thực hiện quản lý Mục lục liên hợp; cơ chế chia sẻ thông tin đã xử lý từ Mục lục liên hợp cho các thư viện thành viên; các hướng dẫn về phát triển tài nguyên thông tin, xử lý thông tin, các chuẩn nghiệp vụ để bảo đảm sự thống nhất; các cơ chế pháp lý về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả quyền liên quan (trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu toàn văn).

- Mặc dù mất nhiều thời gian và nguồn lực, song đây là công việc đã, đang và tất yếu cần thực hiện theo xu thế phát triển của thư viện thế giới, thưa ông?

- Hiện nay, Mục lục liên hợp lớn nhất trên thế giới là Worldcat của OCLC (Online Computer Library Center) với sự tham gia của 72.000 thư viện ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến mục lục liên hợp tài liệu quốc gia tại các quốc gia phát triển như: Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Quốc gia Trung Quốc, Thư viện Anh (Thư viện quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland)… với hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho việc liên kết, chia sẻ, sử dụng chung các kết quả phân tích xử lý thông tin, bảo đảm sự thống nhất, chuẩn hóa.

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen