Phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19

Tạo sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn

- Thứ Năm, 23/12/2021, 10:09 - Chia sẻ
Để du lịch sớm ổn định, phục hồi và phát triển, ông Trần Xuân Cương, Chủ tịch Hội Lữ hành Quảng Bình, Giám đốc Công ty TNHH NETIN đề xuất, cần xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới bảo đảm an toàn, linh hoạt và hấp dẫn.

Tập trung vào loại hình du lịch điểm nhấn

Dựa trên những sản phẩm du lịch hiện có, cũng như sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam, có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng cho gia đình hoặc nhóm nhỏ, với nhiều lứa tuổi. Với hơn 3.200km bờ biển và nhiều đảo lớn nhỏ, những năm qua du lịch Việt Nam đã tạo ra nhiều trung tâm du lịch biển và khu du lịch biển hấp dẫn khách nội địa và quốc tế. Ví dụ như Quảng Bình, Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc...

Hạ tầng du lịch biển được đầu tư rộng khắp, có khả năng đón lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Nhiều khu du lịch biển đã dược đầu tư lớn, đồng bộ với nhiều dịch vụ kể cả vui chơi giải trí... Du lịch biển đang thực sự hót với nhiều điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp được xây dựng có thể triển khai các tour khép kín.

Du lịch nghỉ dưỡng cho nhóm nhỏ là loại hình phát triển sắp tới
Nguồn: Alma

Du lịch mạo hiểm là sản phẩm đặc thù cần tuân thủ những tiêu chuẩn về an toàn, tuy nhiên, đang là xu thế phát triển trên thế giới bởi mang lại tính hấp dẫn nâng cao cảm nhận của du khách về cảnh quan và văn hóa địa phương. Du lịch “mạo hiểm khó” thường là điểm nhấn gây ấn tượng cho loại hình này, nhưng du lịch “mạo hiểm dễ” đang chiếm đa số với đông đảo khách du lịch có thể tham gia ở những nơi có cảnh quan, khu vực miền núi và đặc sắc về văn hóa của cư dân địa phương.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch mạo hiểm này. Các sản phẩm du lịch mạo hiểm tuy giới hạn số lượng khách nhưng giá trị cao, quảng bá tốt và bảo đảm an toàn trong tình hình hiện nay do mặc định hạn chế số lượng du khách tham gia trong chương trình tour.
Du lịch vùng núi và phát triển các loại hình cắm trại cũng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng trong tình hình hiện nay. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại ở các khu vực miền núi và cao nguyên nổi bật như Tây Bắc, Đông Bắc, Quảng Bình, Lâm Đồng. Cảnh đẹp thiên nhiên, hệ sinh thái động thực vật, đặc biệt là khí hậu mát mẻ đã làm nên vẻ đẹp hấp dẫn tự nhiên của khu vực vùng núi và cao nguyên.

Hạ tầng du lịch đầu tư hài hòa với cảnh quan thiên nhiên sẽ tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến đặc biệt đối với cư dân thành thị và khách quốc tế. Gần gũi với thiên nhiên là xu hướng đi du lịch, hạ tầng du lịch cũng cần bắt kịp xu hướng này. Trong thực tế cơ sở lưu trú quy mô thường được đầu tư tập trung ở trung tâm du lịch lớn, tuy nhiên, phát triển du lịch gần gũi với thiên nhiên có thể là cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, dễ đầu tư như glamping, camping... loại hình này có thể phát triển ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. 

Du lịch cộng đồng mang lại trải nghiệm thực tế đáp ứng nhu cầu du khách dựa vào những giá trị của địa phương đặc biệt là giá trị văn hóa. Kết hợp phát triển làng nghề, thăm quan các địa điểm du lịch gần đó sẽ là điểm nhấn. Những vùng quê Việt Nam với những tập tục, văn hóa khác nhau sẽ tạo nên tính đa dạng cho du lịch cộng đồng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mới hiện nay. Các sản phẩm du lịch cộng đồng hứa hẹn sẽ là điểm nhấn cho du lịch Việt Nam trong thời gian sau đại dịch...

Tăng cường liên kết, quảng bá điểm đến

Để du lịch sớm ổn định cần có chiến lược đầy đủ về quy trình, cách thức và quảng bá, kết nối từ các cấp. Trong bối cảnh hiện nay, bức tranh về phát triển du lịch còn chưa rõ nét, cần có các giải pháp cụ thể. 

Ngoài việc hỗ trợ các lớp học truyền thống như buồng, bàn, bar, bếp thì cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhân lực với những tour du lịch đặc thù như đu dây, kỹ năng an toàn, các lớp về cứu hộ, sinh tồn và nấu ăn ngoài trời… Nguồn nhân lực du lịch đang giảm mạnh về số lượng, nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ miễn giảm các loại phí và lệ phí chứng chỉ nghiệp vụ để thu hút nguồn nhân lực quay trở lại.

Cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực du lịch quay trở lại
Nguồn: toquoc.vn

Bên cạnh đó, hỗ trợ các gói vay tín dụng cho các doanh nghiệp làm du lịch, với những chính sách, yêu cầu dễ dàng hơn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn hơn. Khoanh nợ, giãn nợ về các khoản vay, bảo hiểm xã hội, thuế… Hiện nay các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào về tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các giải pháp về quảng bá điểm đến, liên kết các điểm đến: Tăng cường giới thiệu về các điểm điểm đến trên nền tảng mạng xã hội; hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp có điểm đến quảng bá sản phẩm và thu hút du khách; tạo và xây dựng trào lưu du lịch sau đại dịch, có chiến dịch và kế hoạch cụ thể; xây dựng nhiều cuộc thi về khám phá du lịch Việt Nam để tăng sự tương tác cũng như quảng bá du lịch trong tình hình hiện nay; đẩy mạnh song song quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các video, hình ảnh trên nền tảng mãng xã hội và hướng đến các thị trường mục tiêu.

Tăng cường liên kết các doanh nghiệp lữ hành để bán chung sản phẩm về du lịch. Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch, liên kết các hội và hiệp hội để xây dựng, phát triển sản phẩm. Tổ chức famtrip và presstrip để quảng bá các điểm đến an toàn. Các hội và hiệp hội ký biên bản liên kết, ưu tiên sử dụng dịch vụ chéo của nhau. Cùng tuyên truyền và quảng bá về du lịch Việt Nam...

Ng. Phương