Đóng góp của Phật giáo trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tạo lực hút trong du lịch văn hóa tâm linh

- Chủ Nhật, 06/12/2020, 06:31 - Chia sẻ
Phật giáo Huế có bề dày lịch sử trong lòng người Huế, hun đúc đạo đức nơi cách sống Huế và có vai trò quan trọng tạo dựng nên nhân cách con người Huế nặng nghĩa tình, đoàn kết gắn bó, trọng lối sống đạo đức, vị tha hướng thiện, có lòng yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc sâu đậm… Với tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc hòa cùng giáo lý từ bi giác ngộ, tư tưởng nhập thế được luân chuyển trong đời sống thường nhật, Phật giáo Huế có khả năng tạo sự chú ý và lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh trên lộ trình Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nền tảng cốt lõi của văn hóa Huế

Trong diễn trình lịch sử của mình, Huế là cái nôi hình thành nên xứ Đàng Trong, lấy Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống để rồi trở thành một trung tâm và đã từng là thủ đô Phật giáo của cả nước một thời. Phật giáo Huế có bề dày lịch sử trong lòng người Huế, hun đúc đạo đức nơi cách sống Huế và có vai trò quan trọng tạo dựng nên nhân cách con người Huế. Giáo lý từ bi, giác ngộ, giải thoát của đạo Phật làm cho người Huế ít đua đòi, biết vừa đủ, quý nhau ở tấm lòng, nặng nghĩa tình, đoàn kết gắn bó họ hàng, làng xóm; người Huế rất hiếu học, trọng lối sống đạo đức, vị tha hướng thiện, có lòng yêu nước nồng nàn và ý thức dân tộc sâu đậm.

Đại nội Huế với những di tích còn sót lại đến ngày nay là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng
Đại nội Huế với những di tích còn sót lại đến ngày nay là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng

Bóng dáng của những ngôi chùa cổ kính, kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên yên tĩnh, siêu thoát; tiếng chuông chùa gõ nhịp thời gian ngân nga thức tỉnh, lời kinh nguyện cầu vang vọng cùng cốt cách thiền tâm đẹp đẽ và những áng văn thơ bất hủ về địa danh, lịch sử Phật giáo Huế với quê hương, dân tộc... có vị trí quan trọng trong “Huế - Di sản văn hóa thế giới”. Mái chùa chở che hồn dân tộc, là nơi sinh hoạt, nơi bồi đắp hun đúc tính cách người Việt, vì thế văn hóa Phật giáo Huế cũng chính là nền tảng cốt lõi của văn hóa Huế. Chùa Huế mang trong lòng sức sống thanh tịnh, giữ trong mình vẻ trầm mặc gắn quá khứ với hiện tại và tương lai. Chùa Huế thân thương, gần gũi với nếp sống hiền hòa, ấp ủ cái giá trị tín ngưỡng thiêng liêng, hướng lòng tri ân và báo ân đối với các bậc tiền nhân, cha mẹ, quê hương và đất nước.

Theo dòng thời gian, Phật giáo Huế là nơi lưu dấu những điểm son lịch sử: Phong trào chấn hưng Phật giáo, phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo bảo vệ công lý, dân tộc; thành lập các hội, đoàn; tích cực hưởng ứng cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Huế không ngừng nỗ lực phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa Huế, qua đó định hướng công tác Phật sự có hiệu quả theo những mục tiêu phát triển bền vững của quê hương và đất nước.

Các lễ hội truyền thống Phật đản, Vu lan cùng với những hoạt động văn hóa Phật giáo như lễ cầu quốc thái dân an, trai đàn siêu độ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, chương trình tham gia Festival Huế hằng năm... ngày càng đổi mới mang tính xã hội cao, phong phú nội dung lẫn hình thức, lan tỏa thu hút người tham dự. Chùa chiền trùng tu trang nghiêm góp phần làm đẹp diện mạo quê hương, nuôi dưỡng niềm tin chơn chánh báo đáp tứ trọng ân rất được sự hướng tâm đặc biệt của tín đồ và đồng bào khắp nơi!

Huế là nơi sản sinh nhiều bậc cao Tăng thạc đức lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ; hệ thống giáo dục đào tạo đủ 3 cấp học; là nơi khai sinh tổ chức Gia đình Phật tử. Đường hướng giáo dục Phật giáo lấy chính kiến làm nền tảng cho giác ngộ giải thoát, làm động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, cũng là nền móng cho sự thương yêu, cảm thông và đoàn kết. Chỉ có trí tuệ và từ bi mới đẩy lùi những hành vi bất chính như các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, gia đình, bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục; tranh giành quyền lợi, địa vị... vốn xuất phát từ vô minh.

Ảnh hưởng tích cực đến tính cách, lối sống của con người Huế

Hầu hết các làng ở Huế đều có chùa, mỗi ngôi chùa là một trường học. Hiện nay nhiều chùa thường xuyên tổ chức khóa tu là khoảng thời gian quý giá để các em được trau dồi nhân cách, đạo đức, được tiếp xúc với những người bạn thân thiện, cảm thông, chia sẻ; các em được gieo trồng hạt giống yêu thương, nhân ái, hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó ý thức hành động của mình. Phật giáo Huế chú trọng hoạt động từ thiện xã hội qua các Tuệ tĩnh đường, nhà dưỡng lão, viện cô nhi, trường dạy nghề, lớp mẫu giáo tình thương.

Sự đóng góp của Phật giáo Huế trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng tích cực đến tính cách, lối sống của con người Huế. Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn loại chúng sanh, khuyến khích việc gìn giữ mối quan hệ thân thiện, sống hòa hợp bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và vũ trụ là điều kiện thiết yếu để bảo vệ sự sống. Ăn chay không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn là cách để bảo vệ môi trường sống. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý con người hay đời sống của con người ắt sẽ bị hủy diệt.

Truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” luôn được Tăng, Ni, Phật tử Thừa Thiên Huế trân trọng và phát huy, thường xuyên động viên nhau hoàn thành tốt các chương trình ích nước lợi dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ý thức độc lập dân tộc, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước; gìn giữ và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Với 8 nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh trong Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ hội để Phật giáo Huế thể hiện hạnh nguyện, trách nhiệm và tình cảm đối với quê hương thiền kinh xứ Huế ngày càng giàu đẹp và hạnh phúc hơn.

Trên 100 ngôi chùa cổ, hàng chục tổ đình, tôn tượng pháp khí; hoạt động văn hóa qua các lãnh vực nghi lễ, thiền định, thuyết giảng, lễ hội, ẩm thực... tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc hòa cùng giáo lý từ bi giác ngộ, tư tưởng nhập thế được luân chuyển trong đời sống thường nhật, Phật giáo Huế có khả năng tạo sự chú ý và lực hút trong du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh trên lộ trình Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hòa Thượng Thích Huệ Phước