Tạo lợi thế khác biệt từ du lịch di sản văn hóa

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 09:04 - Chia sẻ
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Vốn quý này hiện được tỉnh tập trung bố trí nguồn lực thỏa đáng và huy động hiệu quả các nguồn xã hội hóa để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Qua đó, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển du lịch với các sản phẩm độc đáo, khác biệt.

Định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch địa phương

Sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế của Quảng Ninh trong phát triển du lịch. Hiện, địa phương đã và đang khai thác hiệu quả vốn quý này để phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Đơn cử như vịnh Hạ Long, với hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới đã mang lại nhiều lợi thế cho du lịch Quảng Ninh. Lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh những năm gần đây chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã khẳng định Hạ Long - Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn. Hay hàng loạt lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao có thương hiệu quốc gia, quốc tế được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham gia như: Lễ hội Xuân Yên Tử, Lễ hội Xuân Ngọa Vân, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Canaval...); nhiều công trình văn hóa được bảo tồn và phát huy, đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn trong giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa, du lịch.

Thống kê cho thấy, đã có khoảng hơn 100 di tích, di sản của tỉnh nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định. Trong đó, có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn, các sản phẩm OCOP đang từng bước được phát huy, thu hút du khách trong và ngoài nước. Có thể khẳng định, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Đây cũng là yếu tố quan trọng để địa phương định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Hành hương về miền đất Phật Yên Tử được đông đảo du khách quan tâm khi đến với Quảng Ninh  

Cộng đồng đều được hưởng lợi

Sớm nhận thức rõ giá trị, vai trò của các di sản thiên nhiên, văn hóa trong xu hướng phát triển bền vững, những năm gần đây, Quảng Ninh rất chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng tầm các di sản. Vì vậy, kể từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã có thêm 4 Di tích Quốc gia đặc biệt, cùng với Yên Tử là Bạch Đằng, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và đền Cửa Ông - Cặp Tiên. Nối tiếp đó, tỉnh hiện cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Thương cảng cổ Vân Đồn…

Một trong những vốn văn hóa quý giá đó là di sản Then cổ của người Tày Quảng Ninh, nằm trong hợp phần di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này cũng là một trong 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Quảng Ninh được tôn vinh cùng với nghi lễ Then cổ còn có di sản Hát nhà tơ - hát cửa đình và 4 di sản lễ hội truyền thống (lễ hội miếu Tiên Công, Quảng Yên; lễ hội đền Cửa Ông, Cẩm Phả; lễ hội đình Trà Cổ, Móng Cái và lễ hội đình Quan Lạn, Vân Đồn).

Cùng với di sản văn hóa là việc công nhận các di sản thiên nhiên, gần đây nhất là Ruộng bậc thang ở Lục Hồn (huyện Bình Liêu), đã được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh. Bình Liêu cũng đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Nơi đây cùng với vẻ đẹp tự nhiên còn là vùng đất có bề dày các giá trị văn hóa, được bồi đắp trong quá trình phát triển của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu, có bản sắc riêng, thu hút du khách. Vì vậy, khi những di sản này được công nhận tiếp tục mở ra cơ hội khai thác tiềm năng du lịch cho sự phát triển chung của địa phương từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây.

Thực tế cho thấy, giữa văn hóa với du lịch có sự gắn bó không thể tách rời. Các di sản kể trên đến nay đều đã, đang hoặc nằm trong định hướng phục vụ phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Đầu tư vào phát triển du lịch di sản giúp Quảng Ninh phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói. Hơn nữa, việc phát huy được giá trị của cộng đồng trong định hướng nâng tầm thương hiệu, sản phẩm cũng góp phần quan trọng để mọi người dân đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch.

P. NAM