Tạo đồng thuận, tin tưởng cho người dân

- Thứ Tư, 10/03/2021, 05:33 - Chia sẻ
Theo Đề án Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả với các biện pháp xử lý giá trị đất đai tăng thêm tại các dự án phát triển hạ tầng mới được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt thì thời gian tới thành phố sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng rộng hơn phạm vi dự án để bán đấu giá đất ven đường, người dân trong diện giải tỏa sẽ được tái định cư tại chỗ.

Cụ thể, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho dự án. Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất.

Tại không ít địa phương, đặc biệt là những đô thị lớn có tình trạng cứ mở đường là có nhà "siêu mỏng", "siêu méo" vì diện tích đất còn lại sau thu hồi rất nhỏ nhưng giá trị đất đai tăng rất nhiều. Theo quy định, những công trình có diện tích từ 10 - 15m² trên cùng tuyến đường, phố sẽ ưu tiên hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện. Với diện tích nhà từ 4m² đến dưới 15m² cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà một tầng; nhà có diện tích hơn 4m², nhỏ hơn 10m² chỉ được cấp phép xây dựng một tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4m² sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng. Quy định là vậy, song việc thực hiện không hề đơn giản.

Vậy nên có thể coi Đề án của TP Hồ Chí Minh là "bước đột phá", một mặt có thể tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, một mặt giải quyết vấn đề kinh phí cho Nhà nước mà ví dụ cụ thể là việc triển khai dự án đường Nguyễn Hữu Thọ có chiều dài khoảng 7,5km trước đây. Theo đó, khi thực hiện dự án, thành phố đã thu hồi thêm 15m hai bên đường để đấu giá "đất sạch", mang lại nguồn thu cho ngân sách hơn 400 tỷ đồng - đủ để thực hiện dự án.

Nhiều ý kiến ủng hộ Đề án này của TP Hồ Chí Minh bởi lẽ phương thức này khắc phục được các nhược điểm khi thu hồi đất hiện nay vì bảo đảm chia sẻ lợi ích từ hạ tầng mới giữa Nhà nước và người đang sử dụng đất. Bên cạnh đó, Nhà nước không phải bỏ ngân sách để giải phóng mặt bằng, người đang sử dụng đất dễ đồng thuận, bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều khó khăn là tìm ra phương án quy hoạch gắn với phân bổ lại đất đai cho những người đang sử dụng đất sao cho đa số đều đồng thuận. Để làm được điều này, theo nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần làm đúng, có lợi cho dân, đặc biệt phải công khai, minh bạch. Bà Tâm nhấn mạnh thêm: việc này thành phố đã theo đuổi nhiều năm nhưng chưa thực hiện được chủ yếu do quy định pháp luật thời điểm trước đây chưa đồng bộ. Hơn nữa, đây là phương án mới nên người dân chưa tin tưởng, đồng tình do thiếu quy hoạch chi tiết, cụ thể. Bởi vậy, thành phố cần triển khai thực hiện một dự án kiểu mẫu để tạo sự đồng thuận, tin tưởng từ người dân.

Những lợi ích khi thực hiện Đề án này đã rõ ràng, vấn đề còn lại khi triển khai thực hiện là phải hài hòa được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; có quy hoạch chi tiết, cụ thể; thực hiện công khai, minh bạch, khi đó người dân sẽ tin tưởng và đồng thuận.

Hà Ninh