Tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU 50 tỷ USD

- Thứ Ba, 26/04/2022, 07:29 - Chia sẻ
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường EU lên tới 50 tỷ USD mỗi năm. Tại hội nghị “Giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam - EU” ngày 25.4, nhiều ý kiến cho rằng, để khai thác tốt hơn thị trường này, doanh nghiệp cần tận dụng tốt ưu đãi thuế của EVFTA, bảo đảm chất lượng sản phẩm và các cơ quan liên quan cần quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong năm nay.

Cơ hội rộng mở

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Cơ hội xuất khẩu rộng mở hơn từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020. Theo đó, khoảng 220 dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, số còn lại được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm. Nhờ vậy, thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.

Sau khoảng thời gian chống Covid-19 cùng với chiến dịch tiêm phòng vaccine và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại EU hồi phục rõ rệt. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12%). Kim ngạch của tất cả sản phẩm chính sang EU đều tăng trưởng dương (trừ cá tra), đặc biệt xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng tới 37%, đạt 87 triệu USD.

3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường EU, sau 2 năm giảm sút, những tháng đầu năm nay giá trị xuất khẩu cá tra đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%; xuất khẩu tôm đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sang 3 thị trường chính trong EU là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt 77%, 59%, 82%.

Nói về tiềm năng của xuất khẩu thủy sản sang EU, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, ngoài những lợi thế EVFTA mang lại, thì Brexit (việc Anh tách khỏi EU) cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt thủy sản Nga cũng giúp sản phẩm cá tra của Việt Nam có thể thay thế một phần nhu cầu nhập khẩu cá trắng của EU. Trong nội tại, chúng ta cũng có nhiều điểm mạnh khi có nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho chế biến xuất khẩu, đáp ứng đơn đặt hàng với khối lượng lớn. Chất lượng sản phẩm thủy sản của Việt Nam được thế giới công nhận và có lợi thế về nguồn lao động…

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại châu Âu (EU) lên tới 50 tỷ USD/năm

Nguồn: ITN 

Kể chuyện về sản phẩm

Tuy vậy, theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), EU là thị trường rất khắt khe nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Dù có lợi thế từ EVFTA nhưng thực tế doanh nghiệp chưa tận dụng được hết các ưu đãi. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, làm tăng các chi phí, nhất là chi phí vận tải biển. Đặc biệt, thẻ vàng IUU khiến xuất khẩu hải sản sang EU khó khăn hơn rất nhiều.  

Muốn giải bài toán xuất khẩu vào EU, đại diện VASEP đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản thế mạnh của Việt Nam tại thị trường EU như cá tra, tôm sú…

Đối với doanh nghiệp, cần gia tăng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng; bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng truy xuất cho sản phẩm xuất khẩu; tìm hiểu kỹ về thuế quan trong EVFTA để tận dụng lợi thế cạnh tranh. Hiệp hội cần nâng cao vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong nước và rào cản thị trường. Trước mắt là khắc phục thẻ vàng IUU cho hải sản khai thác. “Cần có các giải pháp quyết liệt để lấy lại thẻ xanh, khẳng định uy tín thủy sản khai thác của Việt Nam”, bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp phía EU, ông Claus Norup, Trưởng ban Kinh doanh thủy sản đông lạnh, Công ty I.Schroeder mburg khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn với EU phải đáp ứng đủ các yêu cầu theo luật định của EU, phải trung thực, làm việc chính xác. Nếu để mất lòng tin của người tiêu dùng sẽ dần đánh mất thị trường EU.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, sau dịch, EU đang ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi, đồ ăn sẵn, thực phẩm tốt cho sức khỏe, hữu cơ, hay các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Ngoài ra, xây dựng được thương hiệu và kể chuyện về sản phẩm cũng góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Hạnh Nhung