Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin
Những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Đến hết tháng 9.2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 51.814.634 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 60.671.408 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, nhằm triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT; đồng bộ số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý.
Cũng theo báo cáo, đến hết tháng 9, toàn quốc đã có 11.521 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám, chữa bệnh BHYT (chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc) với 2.978.985 lượt tra cứu.
Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ trên Cổng dịch vụ công; ban hành dịch vụ công trực tuyến “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công”. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công Gia hạn thẻ BHYT theo hộ có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn triển khai dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ có giảm trừ mức đóng. Tính đến hết tháng 9.2022, đã có 262 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.
Đẩy mạnh triển khai ứng dụng số
Tại Trà Vinh, đẩy mạnh triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH tỉnh đã tăng cường khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý nghiệp vụ tại đơn vị. Tích cực phối hợp với các sở, ban ngành triển khai có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh như: phối hợp với Sở Tư pháp triển khai kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT. Đến nay, Trà Vinh đã có 106/106 UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện liên thông dữ liệu và lũy kế từ đầu năm đến tháng 9 đã tiếp nhận 10.820 mã số đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi qua dữ liệu liên thông với Bộ Tư pháp.
BHXH tỉnh cũng tích cực phối hợp với các cơ sở khám, chữ bệnh BHYT triển khai kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT, kết quả khám, chữa bệnh tỉnh có 100% cơ sở khám, chữ bệnh BHYT đã kết nối liên thông dữ liệu; 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám, chữa bệnh BHYT.
Tính đến ngày 30.9, toàn tỉnh đã có 16.861 lượt tra cứu. Số ĐDCN/CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để khám, chữ bệnh bằng căn cước công dân là 307.548/801.866 thẻ, đạt 38,35%. BHXH tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin để từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT để đẩy nhanh kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 đạt 100% người tham gia được cập nhật số ĐDCN/CCCD vào cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam.
Song song các nhiệm vụ trên, BHXH tỉnh Trà Vinh cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng VssID-BHXH số đến người tham gia BHXH, BHYT. Kết quả có 196.670 người tham gia BHXH, BHYT đăng ký, cài đặt sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số. Hiện, toàn tỉnh có trên 95% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp bằng chữ ký số; khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ đang hoạt động với mục tiêu tin học hóa toàn diện hoạt động nghiệp vụ của đơn vị nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan trên môi trường mạng, nâng cao năng lực hiệu quả phục vụ người dân và đơn vị sử dụng lao động.