7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động
Báo cáo với Đoàn giám sát Thường trực HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, đến tháng 5.2024, tổng số cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn là 431 cơ sở, trong đó hành nghề y ngoài công lập có 105 cơ sở; hành nghề dược ngoài công lập là 326 cơ sở. Hàng năm, các cơ sở hành nghề y ngoài công lập đã khám, chữa bệnh cho hơn 185.000 lượt, trên 2.000 lượt cấp cứu và khoảng 300 lượt chuyển viện. Các cơ sở đều được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
"Đa số các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các quy định của pháp luật liên quan; có cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ hành nghề trình độ cao. Từ năm 2021 đến nay, hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn huyện không xảy ra tai biến chuyên môn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân", Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
Thời gian qua, các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập đã tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, tham gia công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập đã có những đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh của huyện.
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hành nghề y dược ngoài công lập, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế huyện chủ động tham mưu tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức chuyên môn cũng như hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật cho tất cả các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Từ năm 2021 đến tháng 5.2024, UBND huyện đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho hơn 400 đối tượng hành nghề trong các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, trong đó tập trung vào triển khai, phổ biến các quy định mới.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập được UBND huyện quan tâm thực hiện, trong đó tập trung vào 2 đối tượng chính, bao gồm: công tác quản lý của UBND xã, thị trấn và các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn. Đáng chú ý, UBND huyện đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược ngoài công lập huyện kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở hành nghề trên địa bàn hình thức kiểm tra đột xuất. Từ năm 2021 đến nay đã có 877 cơ sở được kiểm tra, 38 cơ sở bị xử lý vi phạm, 7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động với tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, khó khăn trong công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn là nhân lực tham mưu công tác quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập ở cấp huyện và xã, thị trấn ít, đặc biệt cấp xã phải phụ thuộc vào chuyên môn của trạm y tế. Trong khi đó, năng lực tham mưu quản lý Nhà nước của các trạm y tế còn yếu, số lượng cơ sở hoạt động hành nghề khá lớn, nhiều cơ sở hành nghề trong các ngõ, xóm sâu, do đó công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề y dược ngoài công lập, đặc biệt tại cấp xã còn nhiều hạn chế...
Đóng cửa các cơ sở không có giấy phép hoạt động
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị, huyện Đông Anh làm rõ số lượng, năng lực của nhân lực phụ trách y tế trên địa bàn; việc quản lý hoạt động tiêm, truyền tại nhà; hậu kiểm với các đơn vị bị đình chỉ hoạt động; những vướng mắc trong công tác phối hợp trong thẩm định, cấp phép hoạt động cho các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập; phân cấp, ủy quyền, quy chế, phương án trong phân công nhiệm vụ về công tác kiểm tra tránh chồng chéo...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận những kết quả đạt được của huyện Đông Anh trong công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn thời gian qua. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế mà huyện đã nêu trong quá trình triển khai, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, thời gian tới huyện tiếp thu, hoàn thiện báo cáo theo các nội dung thành viên Đoàn giám sát đã có ý kiến.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Nhân dân đối với công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; phân công rõ trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề và nhận thức của cộng đồng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, lựa chọn các dịch vụ y tế uy tín.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố cũng lưu ý huyện chú trọng tuyên truyền từng hộ kinh doanh, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp... thực hiện đúng quy định về hành nghề, cam kết không thực hiện quá phạm vi chuyên môn. Đồng thời, khuyến khích người dân chủ động phát hiện các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc hoạt động không phép, quá phạm vi chuyên môn, quảng cáo không phép thông báo kịp thời cho các cơ quan quản lý.
Thời gian tới, cần tiếp tục thường xuyên rà soát đối với cơ sở hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, không để cơ sở hoạt động không phép tồn tại trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân; thực hiện nghiêm túc công tác hậu kiểm sau cấp phép... "Huyện Đông Anh cần kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở hành nghề vi phạm các quy định của pháp luật, cố ý làm trái các quy định để trục lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đóng cửa các cơ sở không có giấy phép hoạt động...", bà Phùng Thị Hồng Hà nêu rõ.