“Điều gì không biết cứ hỏi dân…”
- Nhắc đến các quy định, quy chế của Đảng ta ban hành trong nhiệm kỳ này, không thể không nhắc tới Quy định số 214 -QĐ/TW, ngày 2.1.2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo ông, những yêu cầu và tiêu chuẩn cụ thể, toàn diện này có ý nghĩa như thế nào với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Đảng ta là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”; Đảng ta từ nhân dân mà ra. Cho nên, không một việc gì, Đảng ta không trông cậy vào nhân dân. Lịch sử của Đảng cho thấy, ở những bước ngoặt sinh tử, nếu không dựa vào nhân dân, không sống trong lòng nhân dân, chắc chắn không những mọi việc đều thất bại mà Đảng ta sẽ bị kẻ thù tiêu diệt. Nội dung mới đây nhất trong Quy định số 214 đã “bình dân hóa” những tiêu chuẩn này. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “đem chính trị vào giữa nhân gian”. Đảng trở về với cội nguồn của mình là dân tộc, đứng vững trên nền móng nhân dân.
Cho nên, từ quyết sách của Đại hội XII, Đảng ta càng khẳng định: Lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng. Cán bộ là công bộc của dân. Dù là chức danh Tổng Bí thư, hay Chủ tịch Nước, nói như Bác Hồ, đều là “phụng mệnh quốc dân ra trận”. Dân tin thì ta làm, dân không tín nhiệm nữa thì ta về - quan điểm rất mềm dẻo, rất thung dung. Nhìn vào khung tiêu chuẩn chức danh thôi, tôi thấy điều đau đáu nhất chính là trước nay, việc của Đảng dường như chỉ là việc của Đảng thôi, mà Đảng ta lại là “đứa con nòi” của giai cấp lao động. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói, “điều gì không biết cứ hỏi dân, dân người ta biết hết”. Về mặt đạo lý, tôi cũng nghĩ, không một đứa con nào, khi được đánh giá là “hiếu đễ” mà không kính trọng cha mẹ mình cả. Bao nhiêu ung nhọt, tội lỗi của số cán bộ tha hóa và bị xử lý thời gian qua là do công luận và nhân dân góp công phát hiện đấy chứ! Dân ta biết hết từng người. Cho nên, Đảng ta với gần 5 triệu đảng viên, có gần 10 triệu con mắt, nhưng nhân dân có gần 200 triệu con mắt kia. Hãy hỏi dân, tạo mọi khuôn khổ cho nhân dân nói.
|
Bác Hồ từng dạy rằng: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần, dân liệu cũng xong. V. Lênin thì nói rằng, có những việc cỏn con, bao nhiêu đoàn thể to lớn kềnh ngồi và nghĩ mãi không ra, hãy xuống hỏi thợ thuyền, dân chúng, họ sẽ chỉ cho ta giải quyết cả những công việc to lớn, với con đường ngắn nhất!
Các yêu cầu, tiêu chuẩn Đảng ta đề ra trong việc lựa chọn nhân sự, theo tôi, đó là cái khung, còn “đôi mắt tinh đời” của nhân dân góp sức cùng, chỉ có điều các cấp ủy, tổ chức đảng có lắng nghe dân hay không? Trường hợp của ông Đinh La Thăng - chúng ta có hỏi dân không? Rồi trường hợp ông Trương Minh Tuấn có hỏi dân không? Nếu hỏi dân, mà dân nói khắp rồi, tôi chắc chắn không đến mức đấy!
Cho nên, vấn đề kiểm soát quyền lực, tôi cho rằng, không phải đến khi có quyền lực mới tha hóa, mà tha hóa đã có từ trước đó, không bị ngăn chặn, thậm chí đứng ngoài vòng kiểm soát, như thế. Người Pháp nói rằng, nếu bé ăn trộm một quả táo, thì lớn lên có gan ăn trộm cả một con bò. Cho nên, Quy định số 205-QĐ/TW (ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền - PV) mới đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Tôi cho rằng, Quy định số 205 là “tuyên ngôn” của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Nếu xem Đảng ta là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động, thì hãy hỏi dân. Tổng Bí thư hỏi dân, Chủ tịch Nước cũng hỏi dân - dân sẽ bộc lộ tư tưởng, tình cảm và góp phần vào quyết sách để Đảng ta lấy đó làm một căn cứ để lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII. Điều này cũng vô cùng hợp hiến.
- Điều gì không biết, hãy hỏi dân - vậy nên hỏi dân theo những kênh nào để có hiệu quả cao nhất, thưa ông?
- Tôi thiển nghĩ, tối thiểu có 3 con đường đến với nhân dân hoặc nghe ý kiến nhân dân, về công việc hệ trọng này.
Thứ nhất, bằng con đường tiếp xúc cử tri của các đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và Quốc hội, nhất là qua các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội. Ở đó, cử tri và các đại biểu của dân có trách nhiệm của các tổ chức đó sẽ thâu thái ý kiến về cán bộ và báo cáo cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền về công tác cán bộ, trực tiếp là Tiểu ban Nhân sự cấp ủy về nhân sự cấp ủy dự kiến. Kênh này rất quan trọng.
Thứ hai, các cấp ủy và cơ quan có trách nhiệm về công tác cán bộ lấy ý kiến cấp ủy và đơn vị hành chính 4 nơi: Nơi nhân sự công tác (toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động có ý kiến), nơi cư trú (cấp ủy và tổ dân phố), nơi đi công tác trong nước và nơi công tác ở nước ngoài (nếu có). Tôi lưu ý lấy đồng thời cả 4 nơi về thân nhân và nhân thân cán bộ liên quan tới nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy. Đồng thời, thu thập tất cả thông tin về những liên quan tới nhân sự dự kiến qua kênh báo chí và truyền thông và một số kênh khác (về bảo vệ chính trị nội bộ và các biện pháp nghiệp vụ trong và ngoài nước). Đây là là kênh vô cùng rộng lớn và rất quan trọng.
Thứ ba, cử ra bộ phận thâu thái và xử lý tất cả ý kiến hoặc trực tiếp hoặc qua đơn, thư các loại, những tín hiệu qua hệ thống truyền thông xã hội, dù nhỏ nhất liên quan tới cán bộ.
Với phương châm không để bất kỳ ai nằm ngoài vòng giám sát, kiểm soát, thực thi đồng thời, chặt chẽ và uyển chuyển 3 phương sách đó, mà tôi phân chia trên cũng chỉ là ước lệ, cho dễ hình dung.
Ý kiến nhân dân nằm ở đó!
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói, “chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ và vị thế như bây giờ”. Sau gần 35 năm Đổi mới, con đường đi đã rõ, không ai không nhìn thấy, tương lai đã lựa chọn, không ai không kỳ vọng, nhưng có đi được đến đích không, hay lại vấp ngã giữa đường, một phần quan trọng do tinh hoa của Đảng, trực tiếp là tinh hoa đó có đồng thời là tinh hoa của dân tộc chúng ta không thôi. Tinh hoa của Đảng trong nhiệm kỳ tới chính là gương mặt, tư chất mỗi cấp ủy, tập trung cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương mà “đỉnh” là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Nhà báo, TS. Nhị Lê |
Tinh hoa của Đảng đồng thời là tinh hoa của dân tộc
- Một trong những cách đánh giá để lựa chọn được đội ngũ cán bộ, như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, đó là “phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”. Theo ông, nên biện giải nội dung này như thế nào cho chuẩn xác?
- Trước hết, tôi cho rằng, chúng ta phải chọn được đội ngũ cán bộ tương dung với yêu cầu và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới hiện nay. Cổ nhân từng nói, có 4 “sợi dây” làm nên một xã hội, đó là Nhân-Lễ-Liêm-Sỉ; mất một dây thì nước nghiêng, mất hai dây thì nước nguy, mất 3 dây thì nước đổ, mất 4 dây thì nước diệt. Mất một dây nước nghiêng, chúng ta có thể kê lại; mất 2 dây nước nguy ta có thể cứu được; mất 3 dây, nước đổ ta có thể dựng lại, nhưng mất 4 dây, nước diệt, là mất hết.
Với nghiên cứu của mình, hễ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, hay Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, cho đến cấp ủy thường, tôi chỉ mong 5 “chữ T”, đó là: Tầm nhìn - Trí tuệ - Tấm lòng - Trung thực - Trong sạch. Bác Hồ từng nói, chính trị là đạo đức. Vậy thì đầu tiên, cán bộ lãnh đạo, nhất là cấp chiến lược, phải có tầm nhìn, không có tầm nhìn tất vấp ngã, không có tầm nhìn thì có khi chỉ quẩn quanh trong “ao nhà”, không thấy được đại cục trong nước cũng như khu vực, thế giới. Nói cách khác, không có tầm nhìn thì không lãnh đạo được ai. Hai là, trí tuệ, lấy hành động làm thước đo, vì Đảng ta là Đảng hành động. Ba, cũng là điều đau đáu nhất, phải có tấm lòng, tức là cái Tâm, cái gốc của con người. Bốn là, trung thực. Vì chính trị, nói như cổ nhân, là “chính giả chính dã”, tức chính trị là sự trung thực. Nếu không trung thực với chính mình thì anh không thể trung thực với đất nước và càng không thể trung thành với Đảng. Và điều cuối cùng, phải trong sạch. Đấy là chữ Liêm, chữ Sỉ đấy. Cổ nhân cũng đã nói rồi, không có liêm sỉ thì không thành người được.
- Và thực tế trong bài viết cũng như phát biểu gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đều cho thấy rõ cách chọn được những nhân sự ưu tú tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII, thưa ông?
- Tiếp ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, tôi hình dung ra có 8 câu hỏi để chọn được đội ngũ cán bộ xứng tầm cho nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Thứ nhất, chọn Tâm hay chọn Tài? Thứ hai, chọn cho cái Tình hay cái Lý? Thứ ba, chọn vì lễ nghĩa, hay vì đảm lược? Thứ tư, chọn mẫu mã hay thực việc? Thứ năm, chọn người khéo nói hay người trung thực? Thứ sáu, chọn vì công việc, hay chọn vì con người? Thứ bảy, chọn cho công việc, hay phe cánh? Và cuối cùng, cũng là việc tế nhị nhất, chọn cho cơ cấu, hay cho công việc?
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước trình bày rất rõ trong bài viết về một số công việc đặc biệt chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đó là, phải vừa có Đức vừa có Tài, trong đó Đức là gốc ("chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"). Đó là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”, “phải bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, không thuần túy chạy theo số lượng”. Đó là “phải rất tỉnh táo, tinh tường”, "đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"…
Tôi nhấn mạnh 4 cách xem để chọn người: Thân - Ngôn - Chính - Hành. Nói vắn tắt, ung dung tướng mạo, lời nói ngay thẳng, chính trị thông suốt, việc làm mau mắn. Qua đó, mà chọn. Và, xin nhấn mạnh trở lại với ý đã nói ở trên, đó là nếu không có tầm nhìn thì không chọn; không có trí tuệ, dứt khoát không chọn; không có cái tâm, càng không chọn; không trung thực cũng càng vậy; và không trong sạch (ở đây không chỉ nói vẻ bề ngoài, mà nếu “anh” nhơ nhuốc từ trong tim) thì càng quyết không bao giờ chọn cả.
Với những mong muốn như vậy, tôi kỳ vọng rằng, Đại hội XIII sẽ mở ra một tương lai mới, không chỉ cho Đảng của chúng ta mà cho dân tộc, Tổ quốc và giang sơn, xã tắc của chúng ta, để chúng ta trọn vẹn như suốt 90 năm qua, và Đảng ta mãi mãi xứng đáng là “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, để Dân tộc Việt Nam xứng đáng đứng trong hàng ngũ những dân tộc vẻ vang trên hoàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!