![]() Đại biểu dự đại hội thống nhất Việt Minh - liên Việt (3 - 7.3.1951) phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của mặt trận liên Việt (Ảnh: TLTTXVN) |
Trong quá trình tìm đường cứu nước, từ sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống yêu nước Việt Nam, vốn kiến thức phong phú về văn hóa phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tinh hoa của văn hóa phương Tây và đến với chủ nghĩa Marx - Lenin, đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Người đã tiếp thu những nguyên lý của chủ nghĩa Marx - Lenin một cách có chọn lọc để vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam từ buổi đầu thành lập Đảng là giải quyết đúng đắn, hợp lý mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, để đem lại hiệu quả cao nhất cho phong trào cách mạng.
Nhờ hiểu rõ tình hình và đặc điểm dân tộc và giai cấp ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương giải quyết hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ theo kiểu riêng của Đông Dương, với bước đi và cách làm phù hợp. Nhưng sau khi bộc lộ quan điểm ấy và không được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, Người đã thể hiện tính tổ chức và tính kỷ luật cao trước Quốc tế Cộng sản, mà cao nhất là với cương vị chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10.1930(1). Hồ Chí Minh đã tán thành Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo, tán thành Án nghị quyết của Hội nghị, cho dù Luận cương và Án nghị quyết ấy phủ nhận tất cả thành quả do chính Người đã tạo ra ở Hội nghị thành lập Đảng: Thủ tiêu Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, thay đổi tên Đảng… Người tự giác chấp hành chỉ thị cấp trên tới mức, sau đó 6 tháng, vào tháng 4.1931, Người còn có thư phê bình Xứ ủy Trung kỳ chưa chịu đổi tên Đảng theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản(2).
Thực tế nghiệt ngã của cuộc đấu tranh và nhất là trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phát xít ngày một tới gần, Quốc tế Cộng sản và những người Cộng sản Việt Nam đã dần dần nhận ra chân lý. Từ tháng 10.1936, những văn kiện của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiếp cận được với tư tưởng Hồ Chí Minh, và tới Hội nghị Trung ương tháng 5.1941, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức của Trung ương Đảng đã hoàn toàn thống nhất.
Nhờ bản lĩnh chính trị vững vàng và tính tổ chức kỷ luật mà Hồ Chí Minh đã đứng vững và vượt qua được thời kỳ gian truân ấy, thời kỳ mà chính Người đã phải sống trong tình trạng “không hoạt động, và giống như là sống ở bên cạnh, bên ngoài của Đảng”(3).
Sau này, khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn gương mẫu chấp hành pháp lệnh Nhà nước và kỷ luật của tổ chức, đồng thời yêu cầu cán bộ các cấp phải rèn luyện để thực sự trở thành công bộc, thành đầy tớ của Nhân dân.