Được biết, trước đó UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu các Công ty Thủy điện Sông Bung, A Vương và Sông Tranh tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện nhằm đưa dần mực nước các hồ chứa về khoảng mực nước theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1865 ngày 23.12.2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà máy thủy điện A Vương từ 30.4 - 2.5 mỗi ngày vận hành liên tục không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 15 m3/s; từ ngày 3.5 - 10.5 dừng vận hành.

Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 từ 28.4 - 10.5 mỗi ngày vận hành không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 25 m3/s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 từ 28.4 - 10.5 mỗi ngày vận hành liên tục không quá 12 giờ/ngày, với lưu lượng trung bình ngày không lớn hơn 27 m3/s. Trong quá trình vận hành, nếu lưu lượng đến hồ nhỏ hơn lưu lượng tối thiểu theo quy trình thì thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo lưu lượng đến hồ.
Tính đến hôm nay, 5.5, các đơn vị vận hành 3 thủy điện trên đều tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế, nếu không chạy, khoảng 2 tuần, nhà máy sẽ tự động chạy không tải, với mục tiêu chính là sấy hệ thống máy móc. Về mùa kiệt nước, Thủy điện A Vương cố gắng đảm bảo điều hòa nước cho hạ du.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cũng có Công văn gửi đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 ở thượng nguồn lưu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đề nghị tuân theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia: Từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, tổng lượng mưa khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam phổ biến sẽ thấp hơn 5 - 10% so với trung bình hàng năm. Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa khu vực này cũng có xu hướng thấp hơn so với trung bình cùng thời kỳ. Tình hình này dẫn đến nhiễm mặn thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước tưới tiêu vùng hạ du.