Mở rộng hoạt động cho vay cấp tốc, FE Credit đang gánh chịu hệ luỵ

- Thứ Sáu, 31/03/2023, 08:19 - Chia sẻ

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh.

FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). FE Credit đã thành công trong việc chuyển đổi hoạt động tín dụng tiêu dùng sang một pháp nhân độc lập với tên gọi Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) vào tháng 2.2015.

Tháng 4.2021, FE Credit nổi như cồn với thương vụ Ngân hàng VPBank bán 49% vốn cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật. Khi đó, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD.

Tháng 10.2021, VPBank hoàn tất bán 49% vốn cho SMBC, VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

 Mở rộng hoạt động cho vay cấp tốc, FE Credit đang gánh chịu hệ luỵ -0
Hoạt động cho vay của FE Credit hướng vào nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thấp.

Việc thoái bớt một nửa vốn điều lệ tại FE Credit tạo điều kiện cho VPBank củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Trong khi đó, khoản đầu tư của SMBC sẽ cho phép công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Nhật Bản này mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

FE Credit có tốc độ tăng vốn điều lệ khá ấn tượng. Năm 2015 tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, doanh nghiệp này nâng vốn lên 2.790 tỷ đồng và lên 4.474 tỷ đồng trong năm 2017 và lên 7.328 tỷ đồng trong năm 2018. Năm 2021 sau khi bán vốn cho SMBC, FE Credit nâng vốn điều lệ từ 7.328 tỷ đồng lên 10.928 tỷ đồng.

Cũng giống như các tổ chức tài chính tiêu dùng khác, FE Credit huy động vốn theo hình thức nhận tiền gửi của tổ chức, dựa theo giấy phép hoạt động. Đồng thời, vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính nước ngoài và trong nước theo quy định của pháp luật và phát hành chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức.

FE Credit cùng với Home Credit, MCredit (của MBBank), HDSaison (của HDBank) tập trung vào các khoản cho vay nhỏ lẻ, vào phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Đây là phân khúc chưa được các ngân hàng ưu tiên phục vụ.

Trong năm 2019, FE Credit mở rộng cho vay tại 10.000 bưu cục VNPost và phát hành được tổng cộng gần 2 triệu thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình hình hoạt động của FE Credit không còn như trước. Trong năm 2020, tỷ trọng đóng góp của FE Credit giảm xuống mức hơn 28%.

FE Credit chịu hệ luỵ do mở rộng hoạt động cho vay cấp tốc  -0
Lợi nhuận sau thuế của FE Credit trong 6 tháng năm 2022 đã suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dữ liệu tài chính 6 tháng đầu năm 2022, lãi ròng của công ty cho vay này đạt mức 143 tỷ đồng, giảm gần 85 % so với cùng kỳ. Đáng chú ý hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 3,34 ở nửa năm 2021 lên 4,02 ở nửa năm 2022.

Luỹ kế cả năm 2022, FE Credit báo lỗ 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại quý 4.2022 đạt 21,8%, tăng mạnh so với mức 14,1% vào cuối năm 2021. Đây được coi là tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng. 

Liên quan đến nguyên nhân lợi nhuận giảm của Fe Credit được đưa ra là do quá trình phục hồi của công ty sau đại dịch Covid-19 chậm hơn nhiều so với dự kiến. 

Đầu tiên, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu và sự đi xuống của thị trường bất động sản, xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân cho thu nhập thấp đang tham gia dịch vụ cho vay tiêu dùng của Fe Credit. 

Thứ hai, trong năm 2022, số dư cho vay của Fe Credit tăng trưởng quá nóng. Chủ yếu tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến cho mức độ rủi ro danh mục của Fe Credit cao hơn trung bình trong ngành. Đây là lý do khiến cho Fe Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân đến từ việc nhiều năm nay, Fe Credit  vướng vào "lùm xùm" liên quan đến hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao và thái độ của nhân viên khi đòi nợ. 

Đông Yến
#