Không phát hiện dư lượng thuốc!
Tỉnh Long An có gần 11.000ha trồng thanh long, đứng thứ hai cả nước, sau tỉnh Bình Thuận. Phần lớn bà con canh tác kiểu truyền thống, chủ yếu dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ông Nguyễn Văn Vĩnh ở xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng vậy - cho đến hơn ba năm về trước, ông được giới thiệu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học!

Nhớ lại “động cơ” tham gia mô hình trình diễn sử dụng thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100EW (dịch chiết từ vỏ lụa hạt điều) trên cây thanh long do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với doanh nghiệp triển khai, ông Vĩnh cho biết có hai yếu tố. Thứ nhất, chính ông nhận thấy sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sử dụng không đúng cách sẽ “không có cửa” xuất khẩu thanh long; đồng thời ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Thứ hai, ông sớm nhận ra rằng sản xuất sạch là hướng đi tất yếu. Người tiêu dùng và các thị trường ngày càng khắt khe. Trái thanh long muốn thoát khỏi cảnh bấp bênh được giá mất mùa, được mùa mất giá thì con đường duy nhất là bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể xâm nhập những thị trường khó tính nhưng đem lại giá trị cao và ổn định.
Trên vườn thanh long ruột đỏ rộng 6.000m2, ông Vĩnh sử dụng thuốc trừ bệnh hữu cơ sinh học Amtech 100EW theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật suốt ba năm qua. Sau khi vuốt râu 7 ngày cho đến khi thu hoạch, ông Vĩnh phun Amtech 100EW để phòng trừ các bệnh nguy hiểm trên cây thanh long.
Tuy chi phí cao hơn so với thuốc hóa học song theo ông Vĩnh, dùng loại thuốc này giúp mẫu mã thanh long đẹp hơn, màu sắc sáng và tai xanh tươi lâu hơn, bán giá cao hơn. Nhìn đám cỏ xanh rì được cắt ngọn gọn gàng giữa các luống thanh long, ông càng yên tâm về sự an toàn cho môi trường quanh mình và sức khỏe của cả nhà. Đặc biệt, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu cho thấy không còn dư lượng của bất kỳ chất nào trong số 168 chất cấm tồn dư trong trái khi xuất khẩu. Nhờ vậy, vườn thanh long của ông được thương lái thu mua với giá cao hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, chủ yếu đưa sang các nước châu Âu.
Tương tự, mô hình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học là các Polyphenol (chiết xuất từ than bùn, lá, vỏ thân cây xoài, cây núc nác, cây liễu, cây hoa hòe, cây vải...) trên 40.000ha lúa tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cũng ghi nhận kết quả ban đầu khả quan.
Các hộ dân tham gia mô hình cho biết, các loại thuốc sinh học không có tác dụng phòng trừ sâu bệnh nhanh bằng các loại thuốc hóa học song lại cho năng suất lúa và giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Hiện có hơn 7.000 nông dân tham gia mô hình này. Toàn bộ lúa sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 10 - 15% nên bà con rất yên tâm sản xuất theo quy trình được hướng dẫn.
“Trái ngọt” ban đầu
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó có việc cải thiện sự mất cân đối giữa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giữa phân bón hữu cơ với phân bón vô cơ.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật - với tầm nhìn dài hạn - đã cùng các đối tác khởi động một chiến dịch bài bản trên khắp cả nước nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân, chuyển dần sang sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phấn đấu đạt mục tiêu Bộ NN - PTNT đặt ra. Đó là đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt 20%.
Tính đến tháng 3.2022, Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết hợp tác với 12 doanh nghiệp để xây dựng mô hình và ứng dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ sinh học với diện tích khoảng 200.000ha trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk sẵn sàng bỏ vốn đối ứng tham gia chương trình. Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung, các mô hình vẫn đang trong quá trình thực hiện và đánh giá tính hiệu quả, tuy nhiên kết quả ban đầu rất khả quan. Ghi nhận tại hai mô mình sức mạnh sinh học trên lúa và thanh long ruột đỏ nêu trên là một ví dụ.
Song song với mô hình trình diễn là các lớp tập huấn cho người nông dân và các đại lý để nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. “Điều này rất quan trọng, bởi nếu không thay đổi được nhận thức của người nông dân và các đại lý bán hàng, dù cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp có cố gắng đến mấy các mô hình vẫn sẽ thất bại”, Cục trưởng Hoàng Trung nói.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký thêm các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học thế hệ mới, đặc biệt là các loại có khả năng sản xuất tự chủ trong nước. “Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện nhanh nhất từ khảo nghiệm, đánh giá, công nhận, đưa vào danh mục và cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng để các doanh nghiệp có được bộ sản phẩm đầy đủ phục vụ sản xuất”, Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ NN - PTNT tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV (tháng 5.2022), năm 2021, lượng thuốc bảo vệ thực vật dùng trong sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, chỉ còn 45.000 tấn; trong đó, thuốc bảo vệ thực vật hóa học 37.000 tấn, thuốc bảo vệ thực vật sinh học 8.000 tấn. Con số này giảm 6.900 tấn so với năm 2020, cho thấy ngày càng có nhiều nông dân biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm và hiệu quả.
Mặc dù vậy, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nước ta còn thấp, mới đạt hơn 10%. Nâng tỷ lệ này thêm 10% trong ba năm tới là nhiệm vụ khó khăn khi mà thuốc bảo vệ thực vật sinh học phát huy hiệu lực chậm hơn thuốc hóa học trong khi chi phí lại cao hơn và thói quen của nông dân không thể thay đổi trong một sớm một chiều...