Việt Nam có trên 4 vạn người bệnh đang phải lọc máu chu kỳ

- Thứ Hai, 17/06/2024, 15:50 - Chia sẻ

Đó là thông tin được Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Lọc máu Viêt Nam Lê Việt Thắng chia sẻ tại chương trình kỷ niệm 52 năm ngày lọc máu chu kỳ đầu tiên (20.6.1972 – 20.6. 2024) được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Lọc máu Viêt Nam Lê Việt Thắng, ngày 20.6.1972, ca lọc máu chu kỳ đầu tiên cho bệnh nhân trên toàn miền Bắc Việt Nam đã được thực hiện tại Bệnh viện Bạch Mai.

Từ đó đến nay, nhờ sự phát triển khoa học công nghệ, vấn đề an sinh xã hội, chất lượng chuyên ngành lọc máu, chất lượng cuộc sống người bệnh ngày càng được nâng cao.

Năm 2020, sau nhiều nỗ lực, Hội Lọc máu Việt Nam được thành lập, hội là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho hàng nghìn cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực lọc máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lọc máu cũng như phát triển chuyên ngành lọc máu.

Việt Nam có trên 4 vạn người bệnh đang thưc hiện lọc máu chu kỳ -0
Một bệnh nhân bị suy thận mạn tính phải làm "bạn" trọn đời với máy móc
ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá

“Bệnh thận mạn tính có liên hệ chặt chẽ với các bệnh: đái tháo đường, xơ hóa do tăng huyết áp, các bệnh cầu thận nguyên phát và thứ phát. Ngoài ra, bệnh thận mạn tính còn phát triển do nguyên nhân khác như di truyền, bệnh lý đường tiết niệu, thận đa nang, bệnh thận do thuốc giảm đau, không rõ nguyên nhân.

Bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn cuối sẽ dẫn đến suy thận, đây là giai đoạn nặng nhất đòi hỏi người bệnh cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 41 nghìn người bệnh đang thực hiện lọc máu chu kỳ, từ 2 - 3 lần/tuần để duy trì cuộc sống” - ông Lê Việt Thắng cho biết.

Như vậy, rất nhiều người bệnh lọc máu vẫn tham gia lao động đóng góp cho xã hội và nhu cầu trên vô cùng lớn.

Từ góc độ địa phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh (Hà Nội) Trần Quang Trịnh cho biết, đơn vị là bệnh viện đa khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế thành phố, với cơ cấu 280 giường kế hoạch, 394 giường thực kê.

Đơn nguyên Thận nhân tạo Bệnh viện Mê Linh được hình thành trên cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cần được chạy thận nhân tạo, bệnh nhân đầu tiên chạy thận bắt đầu từ ngày 10.1.2022.

Trên cơ sở đó, Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện được thành lập và đi vào hoạt động ngày 6.3.2024, với tổng số 9 cán bộ được đào tạo bài bản về chuyên ngành thận lọc máu. Bệnh viện đã đầu tư các trang thiết bị gồm 10 máy chạy thận (05 máy Nipro, 5 máy Toray); 1 máy monitor; 1 bộ đặt ống nội khí quản; 1 máy hút đờm; hệ thống oxy tường và nước RO… Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mê Linh đã điều trị cho 43 bệnh nhân, số lượt chạy thận là 2566 lượt.

Trong thời gian tới, do nhu cầu của bệnh nhân, đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng cấp khoa Thận nhân tạo, tiến tới thành lập trung tâm lọc máu tại bệnh viện với quy mô dự kiến khoảng 30 máy chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh viện triển khai một số kỹ thuật đảm bảo việc điều trị như kỹ thuật lọc màng bụng; lọc máu hấp thụ; quản lý bệnh nhân sau ghép thận… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, cải thiện chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị cho bệnh nhân.

Song Lê
#