Tắm ngay sau khi đi nắng về để “giải nhiệt”, bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ

- Chủ Nhật, 18/06/2023, 15:54 - Chia sẻ

Nhiều người thích tắm ngay sau khi đi nắng về giải nhiệt cơ thể, tuy nhiên theo bác sĩ, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Vì sao tắm ngay khi đi nắng về dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe?

Theo BSCKI Phạm Thị Thảo, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), tắm bằng nước mát là một cách giải nhiệt cơ thể hiệu quả thường được sử dụng. Đôi khi, có thể dùng nước ấm có tác dụng bốc hơi khỏi da và tóc, từ đó giúp hạ nhiệt.

Tuy nhiên, khi mới đi ngoài trời nắng về, cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, mồ hôi ngoài da thấm vào quần áo, tạo cảm giác ướt và nhớt khó chịu, bức bối. Nếu tắm ngay lúc này sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mồ hôi không thoát được ra ngoài làm giảm thân nhiệt, gây cảm lạnh.

Đặc biệt, khi các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt, cơ thể gặp nước lạnh thì mạch máu bên ngoài tự động co lại, làm cho huyết áp tăng lên, dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Y khoa đã ghi nhận nhiều câu chuyện thương tâm như tử vong do thay đổi nhiệt độ đột ngột. 

Tắm ngay sau khi đi nắng về để “giải nhiệt”, bác sĩ cảnh báo nguy cơ đột quỵ -0
Tắm ngay sau khi đi nắng về có thể gây cảm lạnh và dẫn đến nguy cơ đột quỵ (Hình minh họa)

Theo bác sĩ Thảo, để đảm bảo an toàn, tránh sốc nhiệt, người dân khi vừa đi nắng về nên đợi ít nhất khoảng 20 phút để mồ hôi khô rồi mới tắm.

Cơ thể có cơ chế điều nhiệt tự động, thân nhiệt trung bình khoảng 37 độ C. Lúc này, bạn cần bổ sung nước cho cơ thể liên tục, uống theo từng ngụm và chia đều thời gian uống, không nên uống một lần quá nhiều nước.

Nên ngồi trong nhà nghỉ ngơi, uống một ly nước mát (nước lọc, sinh tố…) hoặc ăn trái cây, không nên dùng nhiều đá lạnh vì lâu dài gây ảnh hưởng niêm mạc hầu họng, đường tiêu hóa, có thể gây sốc nhiệt.

Sau đó, lấy khăn mát lau mồ hôi, chừng 20 phút rồi hãy đi tắm. Không nên để quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể (tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột). Khi tắm không nên xối nước từ trên đầu xuống, nên làm ướt vùng chân, tay trước.

Để phòng ngừa đột quỵ trong những ngày nắng nóng, bác sĩ Thảo khuyên người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài đường, nhất là những lúc nắng gắt, buổi trưa đứng nắng. Nếu không thật sự cần thiết, nên hủy bỏ các hoạt động ngoài trời, chỉ nên ra ngoài vào buổi sáng sớm và chiều muộn, khi ngoài trời đã tương đối dịu mát. 

Thường xuyên bổ sung đủ nước trong ngày. Có thể bổ sung nước qua việc uống nước ép trái cây, ăn bổ sung canh rau, củ quả mỗi ngày.

Bên cạnh đó, mặc quần áo nhẹ, rộng, đội mũ rộng vành và nên đeo kính bảo vệ mắt. Hạn chế rượu bia hoặc cà phê, bởi chúng thành phần cồn và cafein.

Một số cách giải nhiệt từ bên trong

BSCKI Phạm Thị Thảo cho biết, mùa hè nắng nóng, người dân có thể áp dụng một số phương pháp giải nhiệt từ bên trong như:

Uống đủ nước: Đổ mồ hôi là một cách điều hòa nhiệt độ của cơ thể, cơ chế điều hòa này có thể hoạt động bình thường và khi mất mồ hôi khiến cơ thể bị mất nước. Do đó, cần luôn chuẩn bị nước để uống trong mùa hè, nhất là khi bạn phải hoạt động thể lực.

Bạn có thể uống đa dạng các loại nước, như chất điện giải, nước ép hoa quả. Đặc biệt, vào mùa hè, nước dừa là một lựa chọn tuyệt vời để bổ sung lượng nước, vitamin và khoáng chất đã mất. Bạn cũng có thể bổ sung nước qua chế độ ăn một số loại quả có nhiều nước như dưa hấu, dưa lê, dưa chuột,...

Ngoài ra, Đông y đưa ra cho chúng ta một số lời khuyên sử dụng một số nước như: trà xanh, nụ vối hoặc lá vối, nhân trần, quả la hán, rau má, chè vằng, cỏ ngọt, râu ngô, cúc hoa, hoa hòe, quả dứa dại, mạch môn, đậu đen sao, mướp đắng, bí đao... có tác dụng giải nhiệt.

Sử dụng một số thức ăn để làm mát cơ thể:

Nha đam: Mang lại nhiều công dụng bởi chứa axit amin, vitamin và có chứa một số khoáng tố vi lượng như Na, K, Fe, Ca,… Cây nha đam chứa nhiều nước, giúp cải thiện tình trạng mất nước cho cơ thể. Nước ép nha đam chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng giúp tăng hiệu suất hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Sữa tách bơ: Trong sữa tách bơ có chứa vitamin và khoáng chất giúp phục hồi năng lượng tự nhiên của cơ thể nếu như bạn bị cảm thấy kiệt sức vì nóng. Có thể uống sữa mát hay thêm hương vị mình yêu thích để làm mát.

Một số món ăn, bài thuốc giải nhiệt trong Đông y như: chè đậu xanh, chè đậu đen, canh đậu đỏ; cháo vỏ dưa hấu, gạo tẻ, gạo lứt; ngó sen.

Ngâm chân mát: Đặt chân vào bồn nước mát giúp cơ thể thư giãn. Ngâm chân trong tối đa 20 phút là một cách giải nhiệt cơ thể nhanh nhất, có thể thêm một vài giọt tinh dầu bạc hà để có thêm tác dụng làm mát.

Nguyễn Liên
#