Suýt mất mạng vì sử dụng thuốc lá nam không rõ nguồn gốc

- Thứ Sáu, 10/02/2023, 08:34 - Chia sẻ

Vừa qua, các bác sĩ khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã điều trị ổn định cho một trường hợp bệnh nhân nữ bị Hội chứng Lyell rất nặng sau khi tự dùng thuốc lá nam không rõ thành phần tại nhà để điều trị đau khớp.

Tự dùng thuốc lá nam truyền miệng

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (49 tuổi, Cẩm Yên, Cẩm Thủy) nhập viện vào ngày 22/01/2023 (tức Mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão) trong tình trạng mệt mỏi, tiếp xúc kém, sốt cao liên tục, loét, chảy máu vùng miệng, loét bộ phận sinh dục, đỏ da toàn thân, trợt da đến 80% diện tích cơ thể.

Khai thác tiền sử ghi nhận bệnh nhân có đau khớp, đã tự dùng thuốc lá nam truyền miệng 2 tuần trước khi có các triệu chứng trên.

Suýt mất mạng vì sử dụng thuốc lá nam không rõ nguồn gốc -0
Các mảng tổn thương trên da của bệnh nhân Nguyễn Thị H. đã lên da non sau 20 ngày điều trị

Sau khi đánh giá triệu chứng trên lâm sàng và làm các xét nghiệm cơ bản, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị dị ứng thuốc thể Hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) nghi ngờ do dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc, kèm theo đái tháo đường type 2 chẩn đoán lần đầu.  

Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nặng nên các bác sĩ khoa Da liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã điều trị tích cực bằng thuốc điều hòa miễn dịch, truyền dịch, cân bằng điện giải, kháng sinh, tăng cường dinh dưỡng, kiểm soát đường máu bằng insulin, giảm đau, chăm sóc tại chỗ vùng mắt, niêm mạc miệng, sinh dục, vùng da trợt loét chống bội nhiễm, hỗ trợ làm lành tổn thương…

Sau 20 ngày, tình trạng nhiễm độc da do dị ứng thuốc đã được cải thiện rõ rệt, các xét nghiệm cận lâm sàng dần trở về giới hạn bình thường, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, các mảng tổn thương đã lên da non, đường máu ở mức ổn định.

Không tự ý mua và sử dụng thuốc

Theo Ths.Bs. Hoàng Thị Ngọ – Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá: “Hội chứng Lyell còn được gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc, là thể bệnh đặc biệt nặng trong dị ứng thuốc, có thể gây tổn thương da, niêm mạc, nội tạng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân phổ biến nhất là do quá mẫn chậm với thuốc. Dấu hiệu lâm sàng thường gặp là sốt cao, tổn thương da điển hình khởi đầu là các dát đỏ thường giới hạn không rõ, với xuất huyết ở trung tâm, sau vài giờ đến một ngày tổn thương lan tỏa, liên kết lại với nhau thành đám lớn, tổn thương thường đau nhiều.

Khi bệnh tiến triển, dát đỏ lan tỏa sẫm màu do hoại tử, hình thành các mụn nước, bọng nước, tổn thương có thể trớt diện rộng, giống như bị bỏng.

Tổn thương niêm mạc thường nghiêm trọng, bao gồm viêm loét miệng, trớt niêm mạc miệng, loét họng hầu, trớt loét niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột; viêm giác mạc, viêm kết mạc có mủ, thậm chí loét giác mạc ở cả hai mắt; viêm loét niêm mạc âm đạo, âm hộ.

Những trường hợp nặng có thể có rối loạn cân bằng nước - điện giải, tổn thương nội tạng như gan, thận, phổi, cơ quan tạo máu.

Hội chứng Lyell nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có tới 25% bệnh nhân tử vong do các biến chứng như rối loạn nước điện giải, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Bệnh cũng có thể để lại nhiều di chứng như sẹo giác mạc, sẹo hẹp các hốc tự nhiên như âm đạo, hậu môn.

Vì vậy, các bác sĩ Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo:

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh nguy cơ dị ứng với các thành phần của thuốc, đặc biệt cảnh giác với các loại thuốc không rõ thành phần, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có cơ sở khoa học.

Ngay khi có hoặc nghi ngờ có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc, người dân cần phải ngay lập tức đến khám chuyên khoa Da liễu hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để theo dõi hoặc nhập viện điều trị.                   

Nhật Hồng
#