Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cần lưu ý điều gì?

- Thứ Hai, 01/05/2023, 07:43 - Chia sẻ

Theo bác sĩ, F0 là phụ nữ mang thai cần theo dõi nhiệt độ, đo SpO2 hàng ngày; duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý; uống đủ nước; tuyệt đối không dùng kháng virus;…

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh. Tính riêng 1 tuần gần đây (từ ngày 24.4 đến 30.4), cả nước đã ghi nhận trên 17.000 ca Covid-19, ngày cao điểm nhất số nhiễm mới đã vượt trên 3.000 ca.

Từ ngày 22.4 đến 30.4, cả nước ghi nhận 4 bệnh nhân Covid-19 tử vong tại các tỉnh thành: Hà Nội, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai. Trong bối cảnh số nhiễm có xu hướng tăng cao, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ (người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai) cần được bảo vệ.

Với trường hợp phụ nữ mang thai mắc Covid-19, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lưu ý người bệnh không hoang mang, lo lắng, cần làm theo một số hướng dẫn.

Theo đó, F0 là phụ nữ mang thai cần theo dõi nhiệt độ hàng ngày, trường hợp có sốt cần hạ sốt bằng cách chườm ấm, uống thuốc hạ nhiệt. Khi sốt trên 38.5 độ C, thai phụ có thể sử dụng paracetamol hoặc efferagal - những loại thuốc hạ sốt hay sử dụng cho phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, người bệnh cần đo SpO2 ngày 2 lần vào sáng và chiều (SpO2 > 96% để đảm bảo cung cấp O2 cho bé). Chỉ số SpO2 nếu thấp dưới 96% là dấu hiệu cần nhập viện, đồng nghĩa với tình trạng của thai nhi cũng bị nguy hiểm.

Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cần lưu ý điều gì? -0
Thai phụ mắc Covid-19 cần đo SpO2 ngày 2 lần/ngày (Hình minh họa)

Trường hợp thai phụ ho nhiều, có thể sử dụng chanh đào mật ong, súc miệng bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9%. Một số loại thuốc ho lành tính có thể sử dụng như: Prospan, kẹo ngậm... Tuy nhiên, người bệnh nên hạn chế, không lạm dụng các loại thuốc ho.

Thuốc giảm ho, trị ho và đặc biệt kháng sinh, thai phụ cần có chỉ định của bác sĩ, chuyên gia y tế mới sử dụng.

Bác sĩ Thiệu cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai tuyệt đối không dùng thuốc kháng virus (Morlupiravir, Favipiravir, Abidol,...); không dùng chống viêm ức chế miễn dịch khi chưa có chỉ định bác sĩ (Medrol, Prednisonon, Mythypresnisonon,...); không tự ý dùng chống đông (Enoxaparin, Levonox, Xarelto,…); không dùng các thuốc Đông y, thuốc Nam khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Bên cạnh đó, không nên tự ý mua đơn của quầy dược hay nghe ý kiến của người không có chuyên môn vì thai phụ là đối tượng đặc biệt quan trọng và nhạy cảm.

Về chế độ dinh dưỡng cho thai phụ mắc Covid-19, theo bác sĩ Thiệu,  người bệnh cần duy trì chế độ ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, bổ sung vitamin, khoáng và chất xơ tự nhiên. Xây dựng chế độ ăn nhiều acid béo như hải sản, cá biển,...; bổ sung sắt, kẽm và các vitamin; Uống đủ nước 40ml/ kg/ ngày (ví dụ: thai phụ 60kg * 40ml = 2,4 lít nước/ ngày).

Nên lưu ý nghỉ ngơi thư giãn, có thể nghe nhạc không lời trước khi ngủ; tập luyện nhẹ nhàng.

Phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cần lưu ý điều gì? -0
F0 là phụ nữ mang thai nên duy trì chế độ ăn hợp lý, uống đủ nước và lưu ý nghỉ ngơi thư giãn (Hình minh họa)

Khi có một số dấu hiệu sau, thai phụ nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời:

- Có các triệu chứng khó thở tần số thở lớn hơn 22 lần/phút và (hoặc) SpO2 nhỏ hơn 96%).

- Cảm giác tức ngực, thở gắng sức; chân tay lạnh.

- Sốt trên 38.5 độ dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng khó hạ; sốt kéo dài quá 3 ngày không hạ.

- Ăn uống kém, chán hoặc bỏ ăn không rõ nguyên nhân.

- Buồn nôn, nôn nhiều (4 lần một giờ hoặc 6 lần trong 4 giờ).

- Đi ngoài kéo dài không cầm, nguy cơ mất nước.

- Ho kéo dài, khó cắt cơn, dù dùng các biện pháp không đỡ.

Để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé, bác sĩ Thiệu khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm phòng Covid-19 càng sớm càng tốt, không phụ thuộc vào tuổi thai.

Nguyễn Liên
#