Phòng bệnh tai mũi họng như thế nào để tránh di chứng nguy hiểm?

- Thứ Bảy, 23/12/2023, 09:57 - Chia sẻ

Các bệnh tai mũi họng rất phổ biến ở cả trẻ em, người lớn và thường lành tính. Tuy nhiên, một số bệnh lý tai mũi họng nếu không được điều trị kịp thời và chính xác có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp đột ngột là điều kiện “lý tưởng” để các bệnh lý tai mũi họng nảy sinh.

Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về cách phòng bệnh trong mùa lạnh, cũng như các phương pháp điều trị bệnh lý tai mũi họng hiện nay.

Tư vấn sức khỏe: Bệnh tai mũi họng - "Triệu chứng và cách phòng bệnh mùa lạnh"

Bệnh lý tai mũi họng gây nhiều khó chịu đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh

- Thưa PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, bác sĩ có thể chia sẻ rõ hơn khái niệm về các bệnh lý tai mũi họng? Đặc trưng các bệnh lý tai mũi họng thường có triệu chứng như thế nào?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào: Tôi rằng nghĩ trong đời, ai cũng ít nhất một lần bị một bệnh lý nào đó về tai mũi họng. Con người có 5 giác quan, nhưng trong đó tai mũi họng chiếm tới 3 giác quan. Chúng ta biết rằng, 80% các bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể con người qua đường mũi, họng. 

Do đó, có thể tạo hóa ban cho vùng tai mũi họng các cấu trúc vô cùng quan trọng để bảo vệ, tạo thành những hạch bạch huyết hay người ta còn gọi là amidan (bạch huyết nằm ở vị trí sau hầu họng), VA (nằm ở vòm mũi họng, vị trí cửa mũi sau).

Bệnh lý tai mũi họng có thể tự khỏi, nhưng vẫn có 20% để lại di chứng -0
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Có thể nói, tai mũi họng là cửa ngõ của đường hô hấp, thậm chí, liên quan đến cả đường ăn. Chính vì thế, bệnh lý tai mũi họng gây khó chịu vô cùng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Nếu bị viêm họng, bạn sẽ thấy dấu hiệu đầu tiên là đau họng. Bệnh nhân sẽ khó khăn và đau khi ăn, đồng thời khi nói cũng cảm thấy rất khó chịu, mỗi lần nói ra đều thấy rát trong họng và khô trong miệng.

Khi bị viêm mũi, bạn ngay lập tức thấy ngạt mũi, đau rát trong mũi, nước mũi chảy ra rất nhiều, hoặc đang nói chuyện thì hắt hơi. Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới giao tiếp, khiến người bệnh cảm giác ức chế và ngại giao tiếp. 

Chính vì thế, các bệnh lý tai mũi họng nếu biểu hiện một cách rầm rộ, đa phần người ta sẽ đi khám ngay.

Một số bệnh lý tai mũi họng như viêm xoang, giai đoạn đầu thường có các triệu chứng như ngạt mũi, hắt hơi, dịch chảy dần dần ra phía sau. Người bệnh thường chỉ đến với bác sĩ tai mũi họng khi xuất hiện dấu hiệu khản tiếng, ho kéo dài liên tục, điều trị rất nhiều thuốc cũng không khỏi ho hoặc quá đau nên không nuốt được. Đây thường là giai đoạn khi bệnh lý đã trở thành mãn tính, có biến chứng.

Một triệu chứng khác thường gặp trong các bệnh lý tai mũi họng là bệnh nhân đột nhiên thấy ù tai, cảm giác như có cái gì nút ở trong tai hoặc sức nghe bị giảm.

- Nhiều người bệnh khi gặp các triệu chứng nói trên, vì chủ quan, nghĩ có thể tự khỏi nên không đi khám, hoặc tự mua thuốc điều trị tại nhà. Việc này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nào không, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào: Đúng là nhiều người nghĩ rằng, các bệnh lý tai mũi họng là bệnh rất thông thường, bỏ qua cũng có thể tự khỏi. Thực ra, bản chất tư duy này không sai, vì nếu có sức khỏe tốt thì 80% bệnh lý tai mũi họng sẽ tự khỏi và không để lại bất kỳ di chứng nào.

Tuy nhiên, 20% sẽ để lại di chứng, thậm chí là những di chứng, biến chứng toàn thân mà người bệnh sẽ rất vất vả trong cuộc sống sau này. 

Ví dụ, bệnh viêm VA, amidan do liên cầu có thể gây tổn thương thận, tim và khớp. Nếu gia đình nào đã có con bị thấp tim sẽ thấy vô cùng vất vả, bởi điều trị dự phòng thấp tim kéo dài đến năm 25 tuổi, mỗi ngày một viên thuốc, phải uống hàng ngày và không được quên. Nếu quên một ngày, bệnh nhân sẽ lại lặp lại quá trình đó từ đầu và thời gian lại kéo dài thêm. Tim tổn thương cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ai có thể khẳng định chắc chắn rằng mình nằm trong số 20% hay 80% nói trên? Vì chúng ta không biết được mình nằm trong nhóm 20% hay 80%, nên tốt nhất ngay từ giai đoạn đầu, hãy để bác sĩ giúp bạn.

Bác sĩ sẽ loại trừ cho bạn trường hợp này không cần dùng thuốc, trường hợp này nguy cơ nằm trong 20% có biến chứng. 

Bệnh lý tai mũi họng có thể tự khỏi, nhưng vẫn có 20% để lại di chứng -0
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào trong chương trình Talkshow Tư vấn sức khoẻ do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Quốc Việt)

Trên thực tế, có nhiều người bệnh nghĩ viêm xoang điều trị không khỏi nên bỏ qua việc tới gặp bác sĩ. Tới khi đến với chúng tôi, bệnh nhân đã có tình trạng ho, khó thở, đi lại rất khó khăn và đã có những biến chứng của viêm xoang tới phế quản, không thể hồi phục như hội chứng giãn phế nang ở phổi. Một biến chứng khác là giảm thị lực do viêm xoang. Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân cảm nhận được mỗi lần họ viêm xoang thì thị lực giảm và sau khi điều trị, thị lực được cải thiện, đặc biệt là những người viêm mũi xoang dị ứng. Thậm chí, có những trường hợp mù đột ngột do viêm xoang. 

Người bệnh nên biết rằng khi thời tiết thay đổi, khi tiếp xúc với những yếu tố dị ứng, bạn có thể xuất hiện những biểu hiện của viêm mũi, nếu điều trị ngay sẽ không vào xoang. Nhưng nếu vẫn muốn “chịu đựng” để tự xem bản thân có thể đề kháng được không thì quá trình tự điều chỉnh đó chỉ nên diễn biến trong vòng một tuần. Nếu sau một tuần các triệu chứng vẫn còn, người bệnh nên gặp bác sĩ, để tránh bệnh tiếp tục diễn biến vào xoang.

Khi điều trị viêm xoang, việc kỳ vọng bệnh sẽ hết hẳn là không có. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Phòng bệnh tai mũi họng thế nào?

- Bác sĩ có thể tư vấn một số biện pháp phòng các bệnh lý về tai mũi họng, đặc biệt với trẻ nhỏ?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào: Chúng ta có cách để phòng các bệnh lý này, để tần suất xuất hiện bệnh ít hơn, để điều trị bệnh dứt điểm và để phòng biến chứng.

Với người có cơ địa dị ứng hoặc có thể tạng như tạng tân - tức những tổ chức amidan, VA trong vùng họng rất phát triển nhưng những tạng này lại không đảm bảo được chức năng bảo vệ như cơ địa thông thường thì sẽ phải sử dụng thuốc tăng cường cho hệ miễn dịch, giúp các tổ chức tham gia vào quá trình miễn dịch ở vùng mũi họng trở nên tốt hơn.

Bên cạnh đó, với những người hay bị dị ứng, kích ứng khi thay đổi thời tiết, chúng tôi lưu ý khi bạn đi từ môi trường trong nhà, trong ô tô,... đang ấm ra bên ngoài thì nên mặc ấm, quàng khăn, đeo khẩu trang. 

Với trẻ nhỏ, chúng tôi đã có những hướng dẫn rất cẩn thận. Cụ thể, với trẻ dưới 3 tuổi, không nên cho trẻ ra ngoài trời sau 6 giờ chiều, nhất là trong mùa đông. Bởi ở thời điểm này, độ ẩm tăng lên, nhiệt độ giảm xuống, những chất ô nhiễm trong môi trường không khí sẽ hạ dần độ cao, tiếp cận với tầm cao của trẻ khiến các cháu rất dễ bị nhiễm bệnh lý về tai mũi họng.

Chế độ ăn của trẻ cũng phải được chú ý. Với những trẻ hay bị bệnh tai mũi họng, bác sĩ thường để ý xem liệu bố mẹ của trẻ có hay cho con ăn sau 8 giờ tối hay không. Lý do bởi những trẻ ăn sau 8 giờ tối rất hay xuất hiện triệu chứng trào ngược. Triệu chứng này làm thay đổi môi trường pH ở mũi - họng của trẻ, khiến quá trình viêm ngày càng kéo dài và hay xuất hiện.

Ở bệnh nhi thường xuyên bị bệnh lý về tai mũi họng, chúng tôi luôn khuyên bố mẹ tuyệt đối không nên cho con ăn sau 8 giờ tối, thì sau đó tỷ lệ bị bệnh tai mũi họng tái diễn lại giảm tới 80%.

Với đối tượng người lớn hay bị dị ứng, chúng tôi khuyến cáo nên hạn chế ở trong những môi trường phòng kín có nhiều khói thuốc.

Thời tiết lạnh kích thích tình trạng viêm mũi họng sẵn có trở nên nặng hơn

- Những ngày gần đây, nhiệt độ khu vực miền Bắc giảm sâu, có những khu vực rất lạnh giá. Bác sĩ có ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý tai mũi họng tới khám tăng nhiều hơn trong giai đoạn này? Bác sĩ có lời khuyên nào cho người bệnh khi có các triệu chứng của bệnh lý tai mũi họng?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào: Trong tuần vừa qua, chúng tôi gặp đến 60% bệnh nhân đến khám do tình trạng viêm mũi xoang. Đa số bệnh nhân đã ở tình trạng khá nặng, đã dẫn đến những biến chứng như viêm tai giữa.

Thời tiết lạnh hiện nay có thể làm kích thích tình trạng viêm mũi họng sẵn có của người bệnh trở nên nặng hơn. Khi đó, dịch tiết sẽ nhiều hơn, làm cho đường thông từ xoang đổ ra mũi bị tắc lại, dẫn đến viêm xoang. 

Viêm xoang dẫn đến đau đầu. Viêm xoang dẫn đến tắc những lỗ thông từ mũi ra tai, gây ù tai, nghe kém. Viêm xoang cũng gây chảy dịch xuống đường hô hấp dưới, dẫn đến viêm phế quản, ho kéo dài.

Do đó, nhiều bệnh nhân đến khám với các triệu chứng như đau đầu, chảy mũi, ù tai, nghe kém hoặc ho kéo dài. Đây là những nhóm bệnh chúng tôi thường gặp trong giai đoạn này.

Chúng tôi khuyến cáo người bệnh, khi có các triệu chứng khó chịu, không nên tự ý ra hiệu thuốc để mua thuốc. Ví dụ, nhiều người thấy ho kéo dài nên chỉ nghĩ đến việc phải ra hiệu thuốc, mua thuốc chữa ho. Trong khi đó, trường hợp bạn bị viêm xoang, khi dịch chảy xuống dưới họng thì ho là một phản xạ tốt để bảo vệ phổi và để đờm không rơi vào phổi. Vậy khi bệnh nhân tự mua những thuốc ức chế cơn ho sẽ trở thành yếu tố có hại và làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn, làm dịch trong vùng mũi họng quánh lại, rất khó khi điều trị phục hồi hệ thống niêm mạc của mũi họng. 

Trong trường hợp chưa thể tới cơ sở y tế thăm khám, thay vì tự mua thuốc, bệnh nhân có thể khám, chữa bệnh từ xa. Bây giờ chúng ta có hệ thống y tế khám, chữa bệnh từ xa đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh mới, áp dụng từ tháng 1.2024. Khám, chữa bệnh từ xa là một trong những yếu tố hỗ trợ tư vấn người bệnh, để biết với tình trạng này đã cần phải đến cơ sở y tế hay chưa. Chúng tôi khuyến khích các bạn nên tham gia vào hệ thống đó.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể gọi qua các tổng đài tư vấn về sức khỏe của các bệnh viện. Hiện nay, các bệnh viện đều triển khai những tổng đài như vậy để hướng dẫn người bệnh.

- Một số người khi thấy các triệu chứng của bệnh lý tai mũi họng cũng hay tìm đến các bài thuốc dân gian, bài thuốc truyền miệng. Theo bác sĩ, phương pháp này có hiệu quả hay không?

PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào: Thực ra, phương pháp dân gian cũng dựa trên những nguyên lý mà cha ông ta ngày xưa đã tìm thấy được, từ các chất có thể chữa bệnh trong những loại cây thông thường. 

Ví dụ, rau diếp cá có tác dụng hạ sốt, bởi trong thành phần có những chất có thể làm giảm tình trạng viêm nhiễm (sốt là do phản ứng viêm); cây hoa ngũ sắc có thành phần có thể chữa được những bệnh lý dị ứng mũi họng thông thường,…

Tuy nhiên, nếu sử dụng những phương pháp cổ truyền nêu trên trong vòng 2 - 3 ngày mà các triệu chứng có xu hướng tăng lên, bệnh nhân nên đến khám bác sĩ. Trường hợp các triệu chứng có xu hướng giảm đi, người bệnh có thể duy trì các thuốc đó cho tới khi triệu chứng khỏi hẳn để tránh tình trạng bệnh trở nên mãn tính.

Người ta hay gọi là “lai rai như tai mũi họng” nhưng thực ra, nếu điều trị dứt điểm, bệnh cũng không đến mức “lai rai” như vậy.

- Xin cảm ơn PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào!

Nguyễn Liên - Quốc Việt - Xuân Quý
#