Những điều cần biết về tật nói lắp

- Thứ Bảy, 13/07/2024, 07:55 - Chia sẻ

Nói lắp là một rối loạn xảy ra trong nhịp điệu lời nói do sự kéo dài và gián đoạn lặp đi lặp lại không chủ đích, trong đó cá nhân biết chính xác những gì họ muốn nói nhưng không tự kiểm soát được lời nói của mình. Tình trạng nói lắp có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính, bất kể văn hóa, ngôn ngữ hay chủng tộc nào.

Các kiểu nói lắp thường gặp

ThS. Vũ Thị Ly - Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ về các kiểu nói lắp thường gặp như: lắp một ngữ; lắp một từ; lắp một âm tiết; lắp một âm vị; nói xen từ đệm; nói tránh chỗ lắp; chứng nói nghẽn… 

Theo ThS Ly, nói nghẽn là một khoảng im lặng vài giây. Khi ấy cơ quan cấu âm bị kìm lại không nói được, cơ quan cấu âm rất căng không bật âm ra được, áp lực của hơi ra mạnh. Khi thả hơi ra và nói, âm thanh bị nhỏ hơn so với bình thường. Ví dụ: ta định nói: “cái bút”. Đang nói từ “cái”, lưỡi đang ở vị trí nói âm “c” giữ cấu âm ở nguyên vị trí đó vài giây, rồi mới bật âm ra nói. Ta cảm giác nghẹn và cứng ở miệng họng.

Nói lắp có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp trôi chảy, mạch lạc (Ảnh: iStock)

Nói lắp, ngoài triệu chứng lời nói có thể dễ dàng quan sát được, người bệnh còn gặp một số vấn đề tâm lý đi kèm như: cảm xúc tiêu cực, hành vi né tránh liên quan đến lời nói và thay đổi động lực xã hội.

Những người bị nói lắp có thể phải trải qua một số thái độ tiêu cực từ các thành viên trong gia đình và bạn bè của họ chẳng hạn như bị bắt nạt, chỉ trích, chế giễu, thậm chí kỳ thị trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, nó có thể làm suy giảm khả năng giao tiếp, lòng tự trọng và sự phát triển xã hội của cá nhân, gây ra sự tránh né và cô lập xã hội, ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của cá nhân của họ.

Người bị nói lắp có thể gặp một số vấn đề tâm lý như: stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… vấn đề này có thể khiến họ càng gặp nhiều khó khăn trong học tập, công việc cũng như hòa nhập cuộc sống ở tuổi trưởng thành, dẫn đến trốn tránh môi trường xã hội và chất lượng cuộc sống bị suy giảm đáng kể.

Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân nói lắp

Ngôn ngữ trị liệu

ThS Vũ Thị Ly nhận định: Hai phương pháp điều trị ngôn ngữ chính thường được áp dụng cho những người nói lắp là định hình sự lưu loát và sửa đổi tật nói lắp.

- Định hình sự lưu loát: còn được gọi là tái cấu trúc lời nói, nhằm mục đích thiết lập lời nói trôi chảy bằng cách dạy một kiểu nói mới (ví dụ: nói kéo dài, nói trôi chảy và nói có nhịp điệu). Người bệnh học cách sử dụng mẫu nói này với tốc độ tăng dần và thực hành để đạt được sự trôi chảy có âm thanh tự nhiên và có kiểm soát trong các tình huống nói hàng ngày.

- Sửa đổi tật nói lắp: còn được gọi là phương pháp điều trị Van Riper, nhằm mục đích đạt được các hình thức nói lắp dễ dàng hơn bằng cách làm giảm sự nhạy cảm của người bệnh với những nỗi sợ hãi liên quan đến tật nói lắp và dạy họ sửa đổi những khoảnh khắc nói lắp. 

Thông thường, phương pháp điều trị này bao gồm 4 giai đoạn: xác định (hành vi nói lắp của chính mình); giải mẫn cảm (cảm giác tiêu cực: sợ hãi, ngượng nghịu, thất vọng… đối với tình trạng nói lắp của mình); điều chỉnh (các triệu chứng cốt lõi thông qua xóa bỏ nói lắp, ra khỏi tình huống, thay đổi kiểu lắp); ổn định (nói lắp thông thạo thông qua tự giám sát).

Ngày nay, các chuyên gia ngôn ngữ thường sử dụng kết hợp cả hai phương pháp trên. Người bệnh được hướng dẫn thay đổi kiểu nói của họ sao cho lưu loát hơn, đồng thời thay đổi kiểu nói như thế nào vào thời điểm nói lắp.

Tâm lý trị liệu

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc kết hợp điều trị cho bệnh nhân nói lắp bằng phương pháp ngôn ngữ trị liệu kết hợp với trị liệu tâm lý, trong đó có phương pháp nhận thức hành vi (CBT) hay chánh niệm đem lại hiệu quả trong điều trị.

Phương pháp nhận thức hành vi bao gồm: giáo dục tâm lý, thư giãn, thở sâu, nói ngâm nga, kéo dài, tái cấu trúc nhận thức… từ đó giải quyết các vấn đề về lời nói, lòng tự trọng thấp, niềm tin sai lệch, và hành vi né tránh các tình huống xã hội, ám ảnh xã hội.

Phương pháp chánh niệm: bao gồm thiền, tập thở… giúp người nói lắp tập trung vào việc giảm mức độ căng thẳng và lo lắng liên quan đến các tình huống mà họ gặp phải khi giao tiếp. Phương pháp này giúp bệnh nhân có niềm tin vào năng lực bản thân, có hành vi đối phó phù hợp với các tình huống lời nói.

Biện pháp dược lý

Hiện tại, không có loại thuốc nào được FDA chấp thuận để điều trị nói lắp. Thuốc có hoạt tính ngăn chặn dopamine đã cho thấy hiệu quả nhất, tuy nhiên chúng bị hạn chế bởi rất nhiều tác dụng phụ. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các loại thuốc mới với cơ chế mới, hứa hẹn trong điều trị dược lý cho bệnh nói lắp.

Với các bệnh nhân nói lắp có đi kèm lo âu, trầm cảm nên được khám thêm chuyên khoa Tâm thần để điều trị các triệu chứng đi kèm với tình trạng nói lắp.

Như vậy, để điều trị cho bệnh nhân nói lắp nên cần sự phối hợp của các chuyên gia như ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và bác sĩ tâm thần, giúp điều trị và hỗ trợ bệnh nhân kiểm soát và vượt qua tình trạng nói lắp.

Phương Anh
#